Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2014

Bạn sẽ để lại gì phía sau?

Để lại gì phía sau là điều mà ít người trong số chúng ta nghĩ đến khi chúng ta còn trẻ trong khi nỗi lo thường trực với đa số chúng ta là cơm ăn áo mặc hàng ngày.  Có lúc, chúng ta đã tự biện minh rằng mình cần phải có nhiều hơn trước khi mình có thể phục vụ công việc Chúa.  Cũng có lúc, chúng ta cho rằng mình cần phải có một sự nghiệp thành công rồi mới có thể giúp đỡ người khác.  Nhưng, Chúa có một kế hoạch khác cho chúng ta. 

Khi còn là sinh viên, cũng như nhiều bạn trẻ khác, tôi chọn ngành học của mình vì tin rằng ngành học đó sẽ cho mình một công việc ổn đinh với thu nhập cao.  Các giáo sư giảng về sự thành công là xây dựng được một sự nghiệp.  Ở các quốc gia phát triển tôi đã sống và làm việc như Mỹ và Hàn Quốc, con đường sự nghiệp là những lối mòn đã có những người đi trước khai phá.  Nếu chúng ta đi theo được con đường đó, thì cái đích đến sẽ là thành công.  Nhưng có một sự nghiệp thôi là chưa đủ, vì chúng ta được Chúa tạo dựng vì một mục đích cao hơn.  Sự nghiệp giống như một căn nhà đẹp, nhưng không một căn nhà bền vững nào được dựng lên mà không có nền móng vững chắc.  Thế gian không dạy chúng ta về nền móng này. 

Ngược lại với cách hiểu của thế gian, từ trước khi chúng ta được tạo nên trong lòng mẹ, Chúa đã biết và biệt riêng chúng ta để phục vụ mục đích thiên thượng của Ngài[1].  Theo đó, mỗi người trong chúng ta đã được Chúa sắm sẵn một kế hoạch, và chính kế hoạch đó là nền móng cho sự nghiệp của chúng ta.  Hạt giống mà Ngài đã gieo vào chúng ta là đủ để chúng ta hoàn thành mục đích mà Ngài đã sắm sẵn cho ta.  Giống như việc phải xây nền móng trước khi xây nhà, chúng ta phải tìm thấy được hạt giống đó trước khi chúng ta xây dựng sự nghiệp cho mình.  


Cách đây ít lâu, tôi có tham dự một buổi thờ phượng do Phil Wickham[2] hướng dẫn.  Buổi thờ phượng đó thật phước hạnh và tràn đầy Thánh Linh.  Sau giờ thờ phượng, Phil có chia sẻ là đã phục vụ Chúa trong mục vụ thờ phượng từ khi anh ấy 13 tuổi và hầu việc Chúa trọn thời gian từ khi 19 tuổi!  Lời chia sẻ của Phil thực sự động chạm vào tấm lòng tôi vì về tuổi tác, Phil và tôi không cách nhau nhiều, nhưng qua sự nghiệp âm nhạc của mình, Phil đã ảnh hưởng được đến đời sống của hàng triệu người.  

Lời cầu nguyện của tôi cho chính mình và cho các bạn trong tuần này là Chúa sẽ bày tỏ cho chúng ta mục đích mà Ngài đã đặt để trong chúng ta.  Khi đó, sự nghiệp của chúng ta sẽ được định hướng bởi mục đích mà Ngài đã sắm sẵn từ thuở Sáng Thế, và cuộc sống của chúng ta sẽ để lại những dấu ấn trong cuộc đời của những người lân cận.  Những gì Chúa đã làm cho chúng ta là đủ để chúng ta phục vụ Ngài. 

Hôm nay, tôi cũng muốn chia sẻ với các bạn một bài hát của Phil, Đây đúng là Ân điển Lạ lùng.  Điệp khúc của bài hát có câu "Ngài đã hy sinh vì con để con được tự do.[3]"  Chúa đã chuộc mua sự tự do để ta có thể sống kế hoạch thiên thượng mà Ngài đã đặt để.   






[1] Giê-rê-mi 1:5
[2] http://www.philwickham.com/
[3] You lay down Your life, that I would be set free

Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2014

Ánh sáng của các con phải chiếu sáng

"... Ánh sáng của của các con phải chiếu sáng trước mặt mọi người..." Ma-thi-ơ 5:13


Khi bạn phải đối diện với việc làm theo thế gian hay làm theo lẽ phải, bạn đã chọn cách nào?  Có khi nào bạn quyết định vì nghĩ rằng trước hết phải tự cứu vớt lấy mình?  Chính Chúa Giê-xu đã dạy chúng ta lẽ thật là ánh sáng phải để soi vào nơi tối tăm.  Vậy, các cơ đốc nhân, thành viên của hội thánh Ánh Sáng Thật, chúng ta phải sống như thế nào trong thế giới này để ánh sáng thật được chiếu ra? 

Đây là mệnh lệnh của Chúa Giê-xu cho chúng ta.  Nhưng việc để ánh sáng được chiếu ra là có mục đích và mục đích đó không phải là về chúng ta.  Vế tiếp theo của Ma-thi-ơ 5:13 giải thích rõ là khi ta để ánh sáng chiếu ra, danh của Đức Chúa Trời sẽ được ngợi khen.  Ánh sáng thật không đến từ chúng ta mà đến từ Chúa và ánh sáng đó cũng không phải để chúng ta khoe mình nhưng để danh Chúa được ngợi khen. 

Tối thứ Tư tuần trước, một nhóm sinh viên chúng tôi được mời đến ăn món kem gia truyền của gia đình của ngài John Ashcroft, cựu Bộ trưởng Bộ tư pháp kiêm Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao (nhiệm kỳ 2001-2005)[1]!  Ngài Ashcroft chia xẻ với chúng tôi rằng ngài bắt đầu làm kem cùng thời điểm bắt đầu sự nghiệp chính trị ở tiểu bang Missouri.  Thời đó, trong các bữa tiệc gây quỹ chính trị, các ứng cử viên thiết đãi khách bằng những loại rượu hảo hãng nhất để tranh thủ phiếu bầu.  Vì đức tin của mình[2], ngài không uống rượu và đó là một bất lợi lớn.  Nhưng thay vì đi ngược lại với niềm tin của mình, ngài Ashcroft đã chọn làm kem để thiết đãi khách và món kem gia truyền xuất phát từ đó.  Chính món kem đó đã giúp cho sự thành công chính trị của ngài không chỉ ở tiểu bang Missouri mà còn trên khắp nước Mỹ. 

Khi chúng ta để ánh sáng thật phản chiếu qua đời sống mình thì đó cũng là lúc mà thế gian tấn công lại chúng ta.  Ngài Ashcroft chia sẻ từ những ngày đầu bước vào chính trị ở tiểu bang Missouri, ngài luôn mở một lớp học Kinh Thánh tại văn phòng trước giờ làm việc và khuyến khích các nhân viên của mình tham gia.  Đó cũng là điều mà ngài phải đấu tranh suốt sự nghiệp chính trị khi các đối thủ luôn tìm cách đóng lớp học Kinh Thánh này và ngài chưa bao giờ chịu khuất phục.  Một ngày kia khi ngài Ashcroft đi công du với Tổng Thống George W. Bush, ngài Tổng Thống quay sang hỏi: "John, tôi nghe nói dạo này anh duy trì một lớp học Kinh Thánh ở Bộ Tư pháp đấy hả?"  Ngài Ashcroft ấp úng: "À vâng, chắc có ai nói với ngài...".   Trước khi ngài Ashcroft kịp nói thêm thì Tổng thống Bush ngắt lời "Cứ thế phát huy nhé!" (nguyên văn tiếng Anh là "Keep it up!"). 

Trong bài giảng trên núi, Chúa Giê-xu chỉ đưa ra một câu mệnh lệnh rất đơn giản là "ánh sáng của các con phải chiếu sáng trước mặt mọi người."  Khi chúng ta sống đúng lời dạy đó, nếu thế gian tấn công lại chúng ta thì trận chiến sẽ là của Đức Chúa Trời.  Chính Đấng đã bảo vệ Daniel khỏi nanh vuốt sư tử, bảo vệ ngài John Ashcroft trong suốt sự nghiệp chính trị, sẽ đánh trận thay cho chúng ta để chính danh của Ngài được ngợi khen. 




Ngài Bộ trưởng John Ashcroft (sinh năm 1942)
- Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (2001-2005)
- Thượng Nghị sĩ, đại diện tiểu bang Missouri (1995-2001)
- Thống đốc tiểu bang Missouri (1985-1993)


[1] Theo cơ cấu chính trị của Hoa Kỳ, chức danh Attorney General tương đương với sự kết hợp của vị trí Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao, cơ quan cao nhất có quyền công tố. 
[2] Hội chúng của Đức Chúa Trời (Assemblies of God) là một nhánh của Ngũ Tuần (Pentecost).  

Thứ Tư, 19 tháng 3, 2014

Sự Khôn ngoan Thiên thượng


"Kính sợ Đức Giê-hô-va, ấy là khởi đầu sự khôn ngoan." Châm Ngôn 9:10


Sự khôn ngoan (tiếng Hy lạp - Sophia, "Σοφια") có lẽ không mới mẻ với nhiều người, nhưng hiểu thế nào là đúng về sự khôn ngoan của cơ đốc nhân?  Sự khôn ngoan ngày nay (humanistic wisdom) có nguồn gốc từ triết học Hy Lạp cổ đại và Trí Huệ Phái (Gnosticism).  Cách hiều này có nhiều sai lạc với Kinh Thánh và thậm chí nhiều người còn cho rằng Cơ Đốc Giáo là đi ngược lại sự khôn ngoan.   

Nhưng không, Cơ Đốc Giáo không đối lập với sự khôn ngoan.  Thậm chí, một trong ba Ngôi của Đức Chúa Trời chính là sự khôn ngoan.  Trong Giăng 1:1, sứ đồ Giăng dùng từ Ngôi lời (tiếng Hy lạp - Logos, "Λόγος") để chỉ Ngôi Hai của Đức Chúa Trời.  Chữ Logos còn bao hàm ý nghĩa khác là "lý luận" hay "khôn ngoan".  Qua đó, Giăng đã khẳng định Đức Chúa Trời là khôn ngoan. 

Từ buổi Sáng Thế, Đức Chúa Trời đã dựng nên loài người chúng ta theo hình ảnh và hình hài của Ngài (Sáng 1:26-27).  Do đó, chúng ta được di truyền từ Ngài các tố chất, trong đó có sự khôn ngoan. 

Tăng trưởng sự khôn ngoan của từng cá nhân là tìm lại trong mình tố chất mà Chúa đã di truyền cho ta và dùng nó để phục vụ cho Vương Quốc của Ngài.  Qua blog này, tôi muốn xin Chúa ban sự khôn ngoan để chúng ta sống thành công cho Ngài!