Thứ Bảy, 23 tháng 8, 2014

Người dâng nhiều nhất

"Quả thật, Ta nói với các ngươi, bà góa nghèo nầy đã bỏ vào thùng tiền dâng nhiều hơn những người khác" Lu-ca 21:3



Một ngày kia khi Chúa Giê-xu ngồi trong đền thờ và thấy một người đàn bà góa bỏ vào hòm dâng hiến hai đồng xu[1] và Ngài nói với những người xung quanh rằng bà góa này dâng nhiều hơn tất cả những người khác.  Ngay lúc đó, Chúa Giê-xu giải thích cho các môn đồ rằng mọi người chỉ dâng cho Đức Chúa Trời phần mình có dư, nhưng người đàn bà này đã dâng tất cả những gì mình có! 

Phép toán trong Nước Đức Chúa Trời quả thật không giống với cách mà thế gian nhìn nhận.  Có một ví dụ thú vị mà các triết gia đã mất rất nhiều công sức và giấy mực là để phân định xem một cái cốc là "cạn một nửa" hay "đầy một nửa".  Người bi quan (pessimist) cho rằng cái cốc đã cạn một nửa và họ luôn lo lắng rằng cái cốc sẽ tiếp tục cạn hơn nữa.  Người lạc quan (optimist) cho rằng cái cốc đã được đầy một nửa vì họ hy vọng rằng cái cốc sẽ được đổ thêm cho đầy hơn.  Quan điểm hay thế giới quan là điều khó thay đổi vì nó chính là lăng kính mà chúng ta qua đó nhìn mọi sự vật, sự kiện xảy ra xung quanh.  Cái cốc trong mắt người bi quan sẽ không bao giờ đầy và cái cốc trong mắt người lạc quan sẽ không bao giờ cạn. 


Quay trở lại câu truyện về người đàn bà góa được Lu-ca ghi chép lại, liệu bà ấy là người bi quan hay lạc quan?  Khi chúng ta nhìn vào câu truyện về những con người có thật và sự kiện thực sự xảy ra, các lý luận triết học trở nên nông cạn và quá đơn giản.  Khi giảng dạy trên đất, Chúa Giê-xu rất hay dùng các hình ảnh ẩn dụ để chia sẻ về Nước Đức Chúa Trời, nhưng cũng có đôi lúc, Ngài sử dụng một câu truyện có thực để giải thích cho người nghe về những giá trị trong Nước Đức Chúa Trời, và đây là một câu truyện thực tế đã xảy ra.  Trong xã hội Do Thái đầu Công Nguyên, phụ nữ góa bụa là những người khó khăn nhất vì họ mất đi người chồng.  Trong xã hội đó, người chồng là trụ cột về kinh tế, thuộc linh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về bất cứ vi phạm nào do vợ hoặc con cái gây ra.  Khi người chồng mất đi, tất cả những nghĩa vụ đó sẽ đổ lên đầu người vợ góa.  Hơn nữa, số tiền bà góa này dâng cũng là số tiền rất nhỏ, vì lepta là đồng tiền có mệnh giá thấp nhất trong bảng tiền tệ của Hy Lạp Cổ đại. 

Khi nhìn vào cái cốc đang đầy hay vơi, dù với thế giới quan nào đi chăng nữa thì một người cũng sẽ phải đưa ra một so sánh.  Người bi quan thì dùng thước đo "cạn" để so sánh trong khi người lạc quan dùng thước đo "đầy" để so sánh.  Nhưng toán học và triết học trong Nước Đức Chúa Trời thì không sử dụng thước đo thông thường để so sánh.  Đức Chúa Trời nhìn vào tấm lòng của con người! 

Để minh họa, tôi muốn chia sẻ với các bạn về bà Lee, một tấm gương trong sự dâng hiến mà tôi được gặp nhờ sự dẫn đưa của Chúa Thánh Linh. 

Bà Lee sinh năm 1942 tại bán đảo Triều Tiên trong thời Đế Quốc Nhật Bản chiếm đóng.  Lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt bởi chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), bà Lee quyết định tìm con đường thoát thân để tìm một tương lai tươi sáng hơn.  Năm 1968, khi 26 tuổi, bà Lee học xong chứng chỉ y tá ở Hàn Quốc và được sang New York, Mỹ theo diện xuất khẩu lao động với nghề y tá.  Ngay khi đến Mỹ, bà tìm đến nhà thờ mặc dù chưa tin Chúa vì đó là nơi cộng đồng người Hàn Quốc nhóm họp và chia sẻ, giúp đỡ nhau, nhưng cũng tại đó mà bà gặp Chúa.  Sau khi kết hôn, bà Lee và chồng tiếp tục làm việc một cách cần mẫn nhưng công việc của họ có nhiều vất vả. 

Năm 1977, gia đình họ mua một căn nhà nhỏ ở Staten Island, New York.  Một thời gian ngắn sau, hai vợ chồng bà Lee quyết định vay một khoản tiền lớn để mua lại một tiệm giặt là.  Như nhiều gia đình nhập cư khác, họ làm việc từ 12-14 giờ mỗi ngày.  Bà Lee vừa phụ giúp công việc của cửa hàng, vừa chăm sóc hai con nhỏ.  Bà Lee kể lại, hàng ngày, sau khi cho các con ăn, giúp con học bài rồi đi ngủ, bà Lee lại xuống tầng hầm để làm một số việc may vá theo đơn của khách tại tiệm giặt.  Với bà, khoảng thời gian từ 9 giờ tối đến 1 giờ đêm là thời gian phước hạnh vì bà được tĩnh lặng trước Chúa, bà thường nghe các bài giảng của Tiến sĩ James Dobson qua chương trình Focus on the Family[2] trong lúc làm việc. 

Đầu những năm 1980, Tiến sĩ Dobson có bài phỏng vấn Tiến sĩ David A. Noeble và qua đó giới thiệu về Summit Ministries, chương trình trại hè mà Tiến sĩ Noeble đã phát triển để chuẩn bị cho giới trẻ về thế giới quan của Cơ Đốc Giáo.  Ngay sau khi nghe bài giới thiệu về Tiến sĩ Noeble và Summit Ministries, bà Lee quyết định đăng ký cho cô con gái lớn theo học tại Summit Ministries, rồi tiếp sau đó là cậu con trai.  Được Chúa cảm động và qua những ảnh hưởng nhìn thấy được qua con cái mình, bà Lee bắt đầu đi vận động và chia sẻ với các gia đình trong hội thánh của mình.  Một thời gian ngắn sau, các thanh thiếu niên trong hội thánh mà gia đình bà nhóm đều hoàn thành khóa học của Summit Ministries.  Trong các năm tiếp theo, bà Lee kiên trì đi đến các hội thánh có đông tín đồ là người Hàn Quốc ở các khu vực quanh New York để giới thiệu về Summit Ministries. 

Năm 1996, bà Lee chính thức thành lập quỹ học bổng Korean Scholarship for the Summit Ministries ("KSSM") để hỗ trợ cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn muốn tham dự Summit Ministries.  Từ năm 2006, quỹ học bổng KSSM mở rộng và cấp cả học bổng cho thanh thiếu niên học tập và sinh sống ở Hàn Quốc đến học tại Summit Ministries.  Đến nay, quỹ học bổng KSSM đã cấp học bổng cho khoảng 140 thanh thiếu niên đến từ New York, Hàn Quốc, Việt Nam, Nam Phi và nhiều nơi trên khắp thế giới học tại Summit Ministries. 

Mùa hè 2014 vừa qua, khi vợ chồng tôi đến thăm, bà Lee và chồng đã nghỉ không còn làm tiệm giặt là nhưng họ vẫn sống ở ngôi nhà nhỏ ở Staten Island, và căn nhà dường như không thay đổi gì từ khi mua năm 1977.  Chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì những điều kỳ diệu và lớn lao mà Đức Chúa Trời đã làm thông qua người phụ nữ nhỏ bé này.  Qua sự dâng hiến và tận tâm của bà Lee, KSSM đã được xây dựng và phát triển, và KSSM sẽ tiếp tục thay đổi cuộc sống của nhiều người.  Sự dâng hiến ban đầu của bà Lee và gia đình cho KSSM không thể đong đếm được bằng tiền vì những giá trị mà nó để lại là vô giá.  Cũng giống như người đàn bà góa được Chúa Giê-xu nhắc đến trong phúc âm Lu-ca, tấm lòng của bà Lee khi dâng hiến không đặt trọng tâm vào mình mà đặt vào Chúa, vào công việc mà Ngài kêu gọi.

Chúa đang kêu gọi bạn dâng gì cho Ngài?  Bạn có sẵn sàng dâng mình làm công cụ hữu ích trong tay Chúa không? 




[1] Trong bản Tiếng Hy Lạp sử dụng từ "lepta" (λεπτά): đồng tiền có mệnh giá thấp nhất trong hệ thống tiền tệ Hy Lạp Cổ đại.  Trong thời cận đại, Hy Lạp có đúc ra tiền xu lepta này với mệnh giá thấp nhất là 5 lepta. 
[2] tạm dịch là "Tập trung vào Gia đình"

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét