Thứ Bảy, 7 tháng 6, 2014

Eo biển Hellespont

Eo biển Hellespont (Ἑλλήσποντος), còn được gọi là Dardanelles (Δαρδανέλλια), là con đường giao thương nổi tiếng thời cổ đại.  Một bên eo biển là Hy Lạp (Châu Âu) còn một bên là Thổ Nhĩ Kỳ (Châu Á).  Eo biển này nối giữa Biển Marmara (nối ra Biển Đen) và Biển Aegean (nối ra Địa Trung Hải).  Vì vị trí đặc biệt của nó mà bất cứ một ai muốn cai trị cả thế giới Á-Âu đều phải vượt qua vùng biển này. 


Năm 480 Trước Chúa, Hoàng Đế Xerxes I của Đế Quốc Ba Tư cổ đã dẫn một đạo quân khổng lồ vượt qua Hellespont với ý định đánh dẹp sự nội dậy của người Hy Lạp.  Sau khi vượt qua eo biển Hellespont, Xerxes I đã không gặp sự kháng cự nào của người Hy Lạp cho đến khi ông ta gặp phải sự bất khuất, kiên cường của đội quân Sparta tinh nhuệ tại trận Thermopylae và liên quân Hy Lạp tại Athens. 

Gần 150 năm sau, năm 334 Trước Chúa, sau khi thống nhất được các thành bang Hy Lạp dưới sự cai trị của Ma-xê-đô-ni-a, Alexander Đại Đế (22 tuổi) thống lĩnh đại quân Hy Lạp vượt Hellespont, đánh tan Đế Quốc Ba Tư cổ. 

Có một sự kiện vượt eo biển Hellespont từ Châu Á sang Châu Âu có lẽ ít được nhắc đến hơn, nhưng nó lại có ý nghĩa thay đổi dòng lịch sử một cách mạnh mẽ và sâu sắc hơn cả.  Năm 50 Sau Chúa, sứ đồ Phao-lô cùng với Si-la, Ti-mô-thê và Lu-ca (người viết phúc âm Lu-ca) khi đang ở thành Trô-ách (Troy[1] - Thổ Nhĩ Kỳ) đã lên đường vượt biển sang thành Phi-líp (Hy Lạp).  Trong thời cổ đại, Trô-ách là vùng đất tận cùng của Châu Á và là nơi buôn bán tấp nập giữa Á-Âu.  Trong chuyến đi truyền giáo thứ hai, Phao-lô đi từ An-ti-ốt đến Trô-ách thăm qua nhiều hội thánh mà ông đã thành lập trong chuyến đi truyền giáo thứ nhất.  Khi đến Trô-ách, ông rất muốn quay trở lại tiếp tục gây dựng và mở rộng các hội thánh ở Châu Á, nhưng Đức Chúa Trời có một kế hoạch khác cho ông và Đức Thánh Linh ngăn cản việc ông quay lại Châu Á. 


Cũng chính tại Trô-ách, Đức Thánh Linh mách bảo cho Phao-lô trong cơn chiêm bao qua hình ảnh một người đàn ông Ma-xê-đô-ni-a đến năn nỉ Phao-lô giúp đỡ họ.  Chính vì lý do này, đoàn truyền giáo của Phao-lô đã đến thành Phi-líp, xứ Ma-xê-đô-ni-a.  Khác với các thành phố ở Châu Á mà Phao-lô truyền giáo đến trước đó đều có nhà hội của người Do Thái, thành Phi-líp không có hoặc có ít người Do Thái nên không có nhà hội.  Vì thế, đến ngày sa-bát, đoàn của Phao-lô ra ngoài thành để cầu nguyện.  Cũng chính tại đây, đoàn của Phao-lô gặp một nữ doanh nhân tên là Ly-đi.  Chúa mở lòng và Ly-đi cùng gia đình bà quy đạo, và họ trở thành những người Châu Âu đầu tiên tiếp nhận Phúc Âm.  Ngôi nhà của Ly-đi cũng trở thành nơi nhóm họp của các tín đồ tại thành Phi-líp và đó là hội thánh đầu tiên được thành lập ở Châu Âu. 



Sự kiện đoàn truyền giáo của Phao-lô từ Châu Á sang Châu Âu đã mở đầu cho sự mở rộng mạnh mẽ của Phúc Âm cứu rỗi, vượt khỏi phạm vi của Do Thái Giáo, và đánh dấu bước đầu Cơ Đốc Giáo trở thành toàn cầu.  Người tin theo Phúc Âm không chỉ là người Do Thái mà còn có người Hy Lạp và vô số các dân tộc khác.  Phúc Âm cũng không chỉ được giảng dạy trong các nhà hội Do Thái, mà các tín hữu còn nhóm họp, học lời Chúa và cầu nguyện tại nhà riêng.  Từ thời điểm đó, ở bất cứ nơi đâu mà Phúc Âm chưa được truyền đến, ở đó có người cần được giúp đỡ như hình ảnh người đàn ông Ma-xê-đô-ni-a năn nỉ Phao-lô đến giúp. 



[1] Nơi đã nổ ra cuộc chiến thành Troy trong khoảng thế kỷ 12-14 Trước Chúa, và được nhà thơ mù Homer kể lại trong bản trường ca Iliad.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét