Thứ Ba, 17 tháng 6, 2014

Tấm lá chắn

 "Ngài là tấm lá chắn cho những kẻ nào nương náu mình nơi Ngài." Thi Thiên 18:30b


Sau khi xem phần 2 phim Đại Úy Mỹ - Chiến Binh Mùa Đông, tôi được nhắc nhở về một vật thật gần gũi với nhân vật này, đó là tầm lá chắn của Đại Úy Mỹ.  Khi tìm hiểu lịch sử chiến tranh nhân loại, các nhà chiến lược luôn có hai lựa chọn là tấn công hoặc phòng vệ.  Các loại vũ khí được phát minh, phát triển và nâng cấp cũng chỉ để phục vụ cho một trong hai mục đích, vũ khi tấn công hoặc vũ khí phòng vệ.  Trong ngành công nghiệp vũ khí, có lẽ, vũ khí phòng vệ ít được chú trọng hơn, và tấm lá chắn là loại vũ khí thô sơ, ít được nâng cấp phát triển.  Thật thú vị khi những nhà viết truyện tranh của Marvel tạo ra một nhân vật chiến binh mà vũ khí chiến đấu duy nhất của anh ta là tấm lá chắn. 

Trước hết chúng ta biết tấm lá chắn của Đại Úy Mỹ được làm từ một loại hợp kim chịu được sức tấn công vô hạn.  Búa thần của Thor hay nguồn năng lượng của Người Sắt cũng không hề làm tấm lá chắn này mảy may.  Có thể nói, tấm lá chắn thô sơ, kết cấu giản đơn đó không có gì đặc biệt hơn so với những tấm lá chắn thời cổ đại của người Sparta hay những chiến binh Mác-xê-đô-nia của Alexander Đại Đế chinh phạt Châu Á.  Điểm khác biệt duy nhất là nó được làm bằng một vật liệu viễn tưởng có thể chịu được sự công phá của các vũ khí tấn công tối tân nhất.  Mục đích duy nhất của một tấm lá chắn, cho dù ở thời kỳ nào thì cũng là để bảo vệ người chiến binh khỏi sự tấn công của đối phương. 

Hình ảnh tấm lá chắn cũng được sử dụng rất nhiều trong Kinh Thánh.  Vua David[1], một chiến binh và một nhà quân sự nổi tiếng nhất trong lịch sử của người Do Thái, đã nhiều lần ví sánh Đức Chúa Trời là tấm lá chắn cho những ai nương náu mình nơi Ngài.  Cuộc đời của David là một loạt các cuộc chiến tranh để lập nên nhà nước Do Thái, chinh phạt các dân tộc lân cận và dẹp yên các cuộc nổi loạn từ nội bộ hoàng gia.  Cho dù các chiến tích của ông có dài đến đâu, hào hùng đến đâu thì qua các bài thơ của mình, David chỉ thấy thực sự được bình an khi nương náu nơi Đức Chúa Trời.  Đối với David, Đức Chúa Trời chính là tấm lá chắn không thể phá hủy được. 

Trong thời Tân Ước, sứ đồ Phao-lô cũng nhắn gửi các tín hữu ở thành Ê-phê-sô hãy trang bị cho mình những vũ khí phòng vệ trược sự tấn công và hủy phá của ma quỷ.  Trong thư[2], Phao-lô nói tấm lá chắn của người Cơ Đốc Nhân chính là đức tin của chúng ta nơi Đức Chúa Trời và nhờ đó, chúng ta được an toàn trước mọi mưu mô tấn công của kẻ địch. 

Qua thư gửi cho người Ê-phê-sô, Phao-lô nói về một cuộc chiến không phải bằng xác thịt mà là cuộc chiến thuộc linh.  Cuộc chiến thuộc linh mà Phao-lô nói cũng không khác gì cuộc chiến thuộc linh ngày nay.  Ma quỷ vẫn sẽ luôn tìm cách tấn công chúng ta khi chúng ta mất cảnh giác và sơ sảy trong cuộc chiến này.  Tấm lá chắn đức tin nơi Đức Chúa Trời không thể hủy phá được nhưng tấm là chắn đó sẽ không có hiệu quả nếu chúng ta không dùng để phòng vệ trước sự tấn công của ma quỷ.  Tấm là chắn của các bạn đang trong tình trạng nào?  Bạn có sẵn sàng trong cuộc chiến thuộc linh khi ma quỷ tấn công hay không? 




[1] Sinh khoảng năm 1040 Trước Chúa và mất khoảng năm 970 Trước Chúa
[2] Ê-phê-sô 6:10-18

Thứ Bảy, 7 tháng 6, 2014

Eo biển Hellespont

Eo biển Hellespont (Ἑλλήσποντος), còn được gọi là Dardanelles (Δαρδανέλλια), là con đường giao thương nổi tiếng thời cổ đại.  Một bên eo biển là Hy Lạp (Châu Âu) còn một bên là Thổ Nhĩ Kỳ (Châu Á).  Eo biển này nối giữa Biển Marmara (nối ra Biển Đen) và Biển Aegean (nối ra Địa Trung Hải).  Vì vị trí đặc biệt của nó mà bất cứ một ai muốn cai trị cả thế giới Á-Âu đều phải vượt qua vùng biển này. 


Năm 480 Trước Chúa, Hoàng Đế Xerxes I của Đế Quốc Ba Tư cổ đã dẫn một đạo quân khổng lồ vượt qua Hellespont với ý định đánh dẹp sự nội dậy của người Hy Lạp.  Sau khi vượt qua eo biển Hellespont, Xerxes I đã không gặp sự kháng cự nào của người Hy Lạp cho đến khi ông ta gặp phải sự bất khuất, kiên cường của đội quân Sparta tinh nhuệ tại trận Thermopylae và liên quân Hy Lạp tại Athens. 

Gần 150 năm sau, năm 334 Trước Chúa, sau khi thống nhất được các thành bang Hy Lạp dưới sự cai trị của Ma-xê-đô-ni-a, Alexander Đại Đế (22 tuổi) thống lĩnh đại quân Hy Lạp vượt Hellespont, đánh tan Đế Quốc Ba Tư cổ. 

Có một sự kiện vượt eo biển Hellespont từ Châu Á sang Châu Âu có lẽ ít được nhắc đến hơn, nhưng nó lại có ý nghĩa thay đổi dòng lịch sử một cách mạnh mẽ và sâu sắc hơn cả.  Năm 50 Sau Chúa, sứ đồ Phao-lô cùng với Si-la, Ti-mô-thê và Lu-ca (người viết phúc âm Lu-ca) khi đang ở thành Trô-ách (Troy[1] - Thổ Nhĩ Kỳ) đã lên đường vượt biển sang thành Phi-líp (Hy Lạp).  Trong thời cổ đại, Trô-ách là vùng đất tận cùng của Châu Á và là nơi buôn bán tấp nập giữa Á-Âu.  Trong chuyến đi truyền giáo thứ hai, Phao-lô đi từ An-ti-ốt đến Trô-ách thăm qua nhiều hội thánh mà ông đã thành lập trong chuyến đi truyền giáo thứ nhất.  Khi đến Trô-ách, ông rất muốn quay trở lại tiếp tục gây dựng và mở rộng các hội thánh ở Châu Á, nhưng Đức Chúa Trời có một kế hoạch khác cho ông và Đức Thánh Linh ngăn cản việc ông quay lại Châu Á. 


Cũng chính tại Trô-ách, Đức Thánh Linh mách bảo cho Phao-lô trong cơn chiêm bao qua hình ảnh một người đàn ông Ma-xê-đô-ni-a đến năn nỉ Phao-lô giúp đỡ họ.  Chính vì lý do này, đoàn truyền giáo của Phao-lô đã đến thành Phi-líp, xứ Ma-xê-đô-ni-a.  Khác với các thành phố ở Châu Á mà Phao-lô truyền giáo đến trước đó đều có nhà hội của người Do Thái, thành Phi-líp không có hoặc có ít người Do Thái nên không có nhà hội.  Vì thế, đến ngày sa-bát, đoàn của Phao-lô ra ngoài thành để cầu nguyện.  Cũng chính tại đây, đoàn của Phao-lô gặp một nữ doanh nhân tên là Ly-đi.  Chúa mở lòng và Ly-đi cùng gia đình bà quy đạo, và họ trở thành những người Châu Âu đầu tiên tiếp nhận Phúc Âm.  Ngôi nhà của Ly-đi cũng trở thành nơi nhóm họp của các tín đồ tại thành Phi-líp và đó là hội thánh đầu tiên được thành lập ở Châu Âu. 



Sự kiện đoàn truyền giáo của Phao-lô từ Châu Á sang Châu Âu đã mở đầu cho sự mở rộng mạnh mẽ của Phúc Âm cứu rỗi, vượt khỏi phạm vi của Do Thái Giáo, và đánh dấu bước đầu Cơ Đốc Giáo trở thành toàn cầu.  Người tin theo Phúc Âm không chỉ là người Do Thái mà còn có người Hy Lạp và vô số các dân tộc khác.  Phúc Âm cũng không chỉ được giảng dạy trong các nhà hội Do Thái, mà các tín hữu còn nhóm họp, học lời Chúa và cầu nguyện tại nhà riêng.  Từ thời điểm đó, ở bất cứ nơi đâu mà Phúc Âm chưa được truyền đến, ở đó có người cần được giúp đỡ như hình ảnh người đàn ông Ma-xê-đô-ni-a năn nỉ Phao-lô đến giúp. 



[1] Nơi đã nổ ra cuộc chiến thành Troy trong khoảng thế kỷ 12-14 Trước Chúa, và được nhà thơ mù Homer kể lại trong bản trường ca Iliad.