Thứ Ba, 11 tháng 11, 2014

Phiên tòa Thứ Sáu Tốt Lành


Hôm nay, ngày Chúa Nhật Cọ (Palm Sunday) ngày đầu tiên của Tuần Lễ Thánh (Holy Week) đánh dấu thời điểm Chúa Giê-xu tiến vào thành Giê-ru-sa-lem dưới sự tiếp rước trọng thị của người dân Do Thái.  Nếu bạn có mặt trong đám đông tiếp rước Chúa Giê-xu ngày Chúa Nhật Cọ, rất khó có thể hình dung chính những con người này, chỉ vài ngày sau, lại quay lưng lại đòi đóng đinh Chúa Giê-xu. 

Các sách phúc âm dành phần lớn thời lượng để thuật lại diễn biến của Tuần Lễ Thánh này vì mức độ quan trọng của nó.  Trong Tuần Lễ Thánh có một sự kiện được thuật lại khá chi tiết đó là diễn biến trong đêm Chúa Giê-xu bị bắt, xét xử, đóng đinh và chết.  Toàn bộ diễn biến từ lúc Chúa Giê-xu dùng bữa tối cuối cùng với các môn đồ, Ngài vào cầu nguyện trong vườn Ghết-sê-ma-nê, bị lính của lãnh đạo tôn giáo Do Thái bắt, giải đến trước mặt các lãnh đạo tôn giáo Do Thái, bị chuyển đến quan tổng đốc La Mã, bị đánh, vác thập tự giá lên đồi Gô-gô-tha, đóng đinh và chết được thuật lại chi tiết trong cả bốn sách phúc âm và khớp nhau đến kỳ lạ! 

Thời điểm mà Chúa Giê-xu trút hơi thở trên thập tự giá được các nhà nghiên cứu lịch sử và khảo cổ cho rằng là khoảng 3 giờ chiều Thứ Sáu, mà ngày nay ta quen gọi là Thứ Sáu Tốt Lành (Good Friday).  Ngày kỷ niệm cái chết của một người thì có gì mà "tốt lành"?  Có những đặc điểm bất thường về phiên tòa xét xử Chúa Giê-xu mà chúng ta nhìn thấy được sự tốt lành của Đức Chúa Trời cho chúng ta. 
Sau khi thất bại trong việc cố gắng kết tội Chúa Giê-xu theo luật pháp tôn giáo, các lãnh đạo tôn giáo tìm cách chuyển hướng vụ việc này sang án hình sự.  Ở phiên xét xử tại dinh tổng đốc La Mã, kết quả cũng không khả quan hơn cho các lãnh đạo tôn giáo so với phiên xét xử về tôn giáo. 

Những nhân chứng được gọi đến cả hai phiên xét xử thậm chí đều vi phạm quy định về giá trị của lời khai, theo cả tiêu chuẩn của luật pháp Do Thái và luật pháp La Mã.  Luật pháp Do Thái yêu cầu một lời chứng hợp lệ khi có hai nhân chứng cùng xác nhận một sự việc và sự xác nhận của các nhân chứng phải trùng khớp, tuy nhiên dù có rất nhiều nhân chứng nhưng lời khai của họ tự mâu thuẫn[1].  Theo luật pháp La Mã cổ, người cáo buộc có nghĩa vụ phải chứng minh một cách thuyết phục rằng người bị kết tội đã vi phạm luật pháp[2], nhưng các bằng chứng mà lãnh đạo tôn giáo đưa ra trước mặt Phi-lát không đủ thuyết phục và chính hành động rửa tay của Phi-lát là lời tuyên bố rằng Chúa Giê-xu là vô tội. 

Việc kết án một người hoàn toàn vô tội theo cả luật pháp Do Thái và luật pháp La Mã chính là tin mừng, tin tốt lành của Thứ Sáu Tốt Lành!  Chúa Giê-xu, mặc dù vô tội, nhưng Ngài nhận lấy cái chết để chuộc lấy tội lỗi cho chúng ta.  Một phiên tòa hoàn toàn vi phạm các thủ tục tố tụng được Đức Chúa Trời cho phép xảy ra để làm hoàn thành kế hoạch lớn lao của Ngài.  Chúa Giê-xu không phải chết dưới tay các lãnh đạo Do Thái, hay quân đội La Mã, Chúa chết vì chính tội lỗi của tôi và bạn.  Khi làm phim Sự Khổ Nạn của Chúa Cứu Thế, nhà làm phim, đạo diễn Mel Gibson đã dùng chính cánh tay của mình cầm cây đinh và búa để đóng vào tay Chúa để tuyên bố rằng chính mỗi cá nhân chúng ta là lý do Ngài chết! 




[1] Mác 14:57-59
[2] Ei incumbit probatio qui dicit, non qui negat: Nghĩa vụ chứng minh phạm tội thuộc về người cáo buộc, không phải nghĩa vụ của người bị cáo buộc.   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét