Thứ Bảy, 24 tháng 5, 2014

Lời trăn trối

"Lạy Chúa, xin đừng quy tội nầy cho họ!" - Công vụ 7:60


Trong luật về sử dụng chứng cứ tại tòa án Mỹ, những lời trăn trối[1] của nhân chứng đã qua đời sẽ được coi là lời chứng hợp pháp.  Khái niệm lời trăn trối lần đầu tiên được giới thiệu vào hệ thống luật Mỹ bởi luật sư trẻ John Adams khi bảo hộ cho một nhóm binh sỹ Anh năm 1770 liên quan đến Cuộc Thảm Sát Boston.  Khi bào chữa cho nhóm binh sỹ Anh, John Adams đã biện hộ để lời nói của Patrick Carr, một nạn nhân của cuộc thảm sát, nói với bác sỹ điều trị khi Patrick Carr tin rằng mình sắp qua đời vì vết thương của những binh sỹ Anh.  Bác sỹ thuật lại lời của Patrick Carr rằng ông ta tha thứ cho người lính đã bắn mình vì người lính đó chỉ nổ súng để tự vệ.  Khi lời của Patrick Carr được chấp nhận trước tòa, những binh sỹ Anh được giảm từ tội giết người xuống thành tội ngộ sát. 


Để lời biện hộ của mình được chấp nhận, John Adams đã vận dụng một khái niệm luật án lệ ở Anh được chấp nhận sớm nhất từ năm 1202:

"Một con người sẽ không đi gặp Đấng Sáng Tạo với lời nói dối trong miệng.[2]"

Khi một con người phải đối diện với cái chết cận kề và người đó tin rằng mình không thể qua khỏi, thì mọi lời anh ta trăn trối sẽ được coi là lời nói có tính xác thực nhất.  Không chỉ ở văn hóa phương Tây mới đề cao giá trị của lời trăn trối, từ thời Tam Quốc đã ghi lại câu nói của Đào Khiêm:

"Con chim sắp chết nói lời bi thương, người sắp chết nói lời thật lòng.[3]"

Tiên tri Ê-tiên (Stephen) được Kinh Thánh ghi lại là người đầu tiên tử vì đạo.  Ê-tiên là người đầy đức tin và ân tứ Thánh Linh, bài giảng của ông cũng rất mạnh mẽ, nhưng khi vừa kết thúc bài giảng, dân chúng nổi giận ném đã ông đến chết.  Mặc dù sự nghiệp của Ê-tiên rất ngắn ngủi, nhưng sự chết của Ê-tiên nhắc nhở chúng ta về lời của Chúa Giê-xu là thế gian đã bắt bớ Chúa Giê-xu như thế nào thì những người theo Chúa cũng sẽ bị bắt bớ như vậy.  Trước khi trút hơi thở cuối cùng, cũng giống như Chúa Giê-xu, Ê-tiên cầu xin với Đức Chúa Trời hãy tha thứ cho tội lỗi của những người bắt bớ.  Lời trăn trối của Ê-tiên cho thấy việc ông trông cậy hết lòng vào kế hoạch tốt đẹp của Đức Chúa Trời và sự tể trị tối cao của Ngài. 

Việc Ê-tiên đối diện với sự chết cũng là một lời nhắc nhở với chúng ta ngày nay.  Trên chặng đường bước đi theo Chúa, có những lúc khó khăn, bắt bớ xảy đến, đó là những điều Chúa cho phép xảy ra.  Dù chúng ta có biết ý định của Chúa trên đời sống của chúng ta hay không thì hãy vững chí rằng mọi sự hợp lại đều làm cho danh Đức Chúa Trời được tôn vinh. 



[1] Dying declaration
[2] A man will not meet his Maker with a lie in His Mouth hoặc No one on the point of death should be presumed to be lying ("Nemo moriturus praesumitur mentiri")
[3] Khi biết mình bệnh nặng sắp chết và quân tướng của mình không đủ sức giữ thành Từ Châu khỏi sự xâm lược của Tào Tháo, Đào Khiêm đã quyết dâng thành Từ Châu cho Lưu Bị.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét