Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014

Sự kêu gọi làm người hòa giải

"Phúc cho những ai mang lại hòa thuận, vì Đức Chúa Trời sẽ gọi họ là con cái Ngài" Ma-thi-ơ 5:9



Có thể đã có lúc các bạn nghĩ rằng phương pháp hòa giải mâu thuẫn giữa các Cơ Đốc Nhân chỉ có thể áp dụng được với các vấn đề nhỏ? các vấn đề không quan trọng đến tính mạng con người? các vấn đề không phức tạp?  Vậy, hãy xem Đấng Christ đã hòa giải mâu thuẫn giữa Đức Chúa Trời và loài người tội lỗi như thế nào?  Có phải Ngài chỉ gọi các bên đến ngồi lại với nhau, đạt được thỏa thuận, quay về văn phòng, soạn thảo một bản hợp đồng, đưa cho các bên ký và thu phí tư vấn?  KHÔNG, chính Ngài đã trả TẤT CẢ chi phí.  Đó là sự khác biệt giữa hòa giải Cơ Đốc và các phương pháp khác của con người.  Người hòa giải Cơ Đốc là người được gọi để trở nên giống Đấng Christ.  Mọi người liên quan đến tranh chấp vừa phải cố gắng tìm ra sự thật, vừa phải học cách dâng mình như chính Chúa đã dâng mình Ngài cho chúng ta. 

Thư Phi-líp 2:1-8 hướng dẫn cho chúng ta theo sự chỉ dẫn của Chúa bằng cách quan tâm đến lợi ích của người khác hơn là lợi ích của bản thân.  Nghĩ đến lợi ích của người khác, chìa khóa của việc hòa giải, chính là một nguyên tắc sống.  Nhưng liệu lối sống đó có tác dụng? 

Sam Ericsson chia sẻ một trường hợp khác khi mục sư liên hệ với ông về một tình huống có một người phụ nữ 22 tuổi vừa mới sinh một đứa con ngoài giá thú, và đã được cô ấy cho đi làm con nuôi qua sự giúp đỡ của hội thánh.  Lúc đó, mục sư nói với cô gái rằng cô ấy có một năm để thay đổi quyết định trước khi việc nhận con nuôi hoàn tất.  Nhưng thực tế, theo luật của tiểu bang đó, thời gian chỉ là sáu tháng.  Một cách vô tình, vị mục sư kia đã đưa ra một lời tư vấn pháp lý sai. 

Sau sáu tháng, một nhân viên hoạt động xã hội đến với người mẹ trẻ để lấy chữ ký của cô cho thủ tục nhận con nuôi, nhưng cô ấy không đồng ý.  Cô ấy thấy được thuyết phục rằng Chúa muốn cô ấy nuôi đứa bé này.  Nhưng mặt khác, cặp bố mẹ nhận nuôi cũng được thuyết phục rằng đứa trẻ chính là câu trả lời của Chúa cho lời cầu nguyện trong suốt bảy năm qua của họ. 

Luật sư của cả hai bên đều là Cơ Đốc Nhân nên Sam Ericsson gợi ý cho họ rằng thay vì ra tòa, tại sao không đưa vụ việc này ra cho Hội thánh xem xét?  Sau một tuần cầu nguyện, cả hai bên đồng ý và bắt đầu lên kế hoạch họp.  Có một vài cách để giải quyết việc này, nhưng Sam Ericsson gợi ý cách thành công nhất là sử dụng một hội đồng gồm ba người (một luật sư Cơ đốc, một mục sư và một tín hữu có chuyên môn về lĩnh vực đang tranh chấp).  I Cô-rinh-tô 6:1-11 gợi ý là các bên tranh chấp biết rõ những người sẽ xét xử cho mình; những vị thẩm phán này không phải người xa lạ.  Họ phải là những người có uy tín về những phán quyết hợp tình hợp lý và công bằng. 

Cuộc hòa giải bắt đầu bằng ba câu hỏi: (1) "Tại sao các anh em lại có mặt ở đây?", được trả lời bằng việc đọc I Cô-rinh-tô 6:1-11; (2) "Chúng ta sẽ phải cư xử như thế nào?", đọc Phi-líp 2:1-8; và (3) "Thái độ của chúng ta sẽ phải như thế nào?", được trả lời bằng I Cô-rinh-tô 13.  Sau đó là lời cầu nguyện. 

Trong một phiên tòa thông thường, một phía cố gắng đưa ra các điểm mạnh nhất cho mình và tránh đề cập đến những điểm mạnh của đối phương.  Nhưng trong trường hợp này, cả bố mẹ nhận nuôi và bà mẹ trẻ đều xây dựng cho bên kia.  Thậm chí là cả các luật sư cũng bắt đầu chỉ ra những điểm mạnh của bên kia.  Sau buổi biện luận, hai bà mẹ ôm lấy nhau.  Mỗi bên rời buổi biện luận tin rằng người kia có lý hơn. 

Hội đồng suy ngẫm lời Chúa, xem xét cặn kẽ các vấn đề chứng cứ và tìm kiếm ý Chúa.  Cuối cùng, sau hai tuần, họ đưa ra phán quyết bằng văn bản kết luận rằng họ tin tưởng ý Chúa để cho đứa trẻ được tiếp tục sống với bố mẹ nuôi.  Đây không phải là một kết quả mà người mẹ trẻ muốn nghe, nhưng cô ấy nói "Tôi chưa bao giờ được trải qua một thủ tục công bằng hơn thế này, và tôi chấp nhận quyết định này." 

Khi chúng ta đưa vấn đề ra giữa Hội thánh, không có gì đảm bảo là chúng ta sẽ đạt được kết quả mà mình muốn.  Hội thánh thậm chí có thể mắc sai lầm.  Nhưng, chúng ta vẫn phải làm theo thủ tục mà Đấng Christ đã thiết lập tại Ma-thi-ơ 18:15-20 và Phao-lô khẳng định lại trong I Cô-rinh-tô 6:1-11.  Nếu thủ tục này được thực hiện một cách liêm chính, thì không có một thủ tục nào có thể công bằng hơn để giải quyết các tranh chấp giữa Cơ Đốc Nhân. 


Tôi cũng cùng một niềm tin với Sam Ericsson, chúng ta đang sống trong một thế giới sa ngã, không có bất cứ thủ tục, hệ thống pháp lý hay thẩm phán nào có thể đảm bảo chúng ta sẽ được điều mình muốn.  Tuy nhiên, mục đích cho cuộc sống của chúng ta ở trên đất là gây dựng cho thân thể của Đấng Christ qua việc gây dựng các anh chị em trong cùng đức tin.  Thủ tục hòa giải là cách làm tốt nhất!  

Thứ Năm, 18 tháng 9, 2014

Sự thất bại của Cơ Đốc Nhân

Trong phần trích dẫn từ bài viết của Sam Ericsson tuần trước, các bạn đã một phần nào hình dung được công thức để hóa giải mâu thuẫn của Cơ Đốc Nhân.  Hôm nay, tôi muốn chia sẻ với các bạn một câu truyện khi Cơ Đốc Nhân kiện tụng sẽ dẫn đến sự hủy phá của thân thế Đấng Christ. 


Ngày 30 tháng 12 năm 1976, Tòa Án Phúc Thẩm tiểu bang California ban hành phán quyết tái khẳng định kết quả của tòa án sơ thẩm trong vụ kiện Scott v. Family Ministries.  Theo phán quyết, (1) Family Ministries sẽ không còn quyền giám hộ hoặc kiểm soát với các trẻ em và sẽ không được tiếp tục cho nhận con nuôi nếu không có phán quyết nào của tòa; (2) yêu cầu Family Ministries giao lại toàn bộ quyền giám hộ với các trẻ em cho Sở Nhận Con Nuôi hạt Los Angeles; (3) hủy bỏ các trường hợp nhận con nuôi và nhận nuôi tạm thời hoặc chăm sóc do Family Ministries đã triển khai trước đó; (4) giao lại quyền giám hộ với các trẻ em cho Sở Nhận Con Nuôi hạt Los Angeles. 

Đây là một kết quả khủng khiếp xuất phát từ những Cơ Đốc Nhân rất tận hiến với công việc, nhưng đã không biết cách giải quyết mâu thuẫn theo cách mà Chúa hướng dẫn. 

Câu truyện bắt đầu khi World Vision mở trung tâm chăm nuôi trẻ bị thiếu dinh dưỡng ở Phnom Penh từ đầu năm 1970.  Đến tháng 4 năm 1975, việc lực lượng Khmer Đỏ có khả năng chiếm Phnom Penh đã trở nên rõ ràng.  Được sự cho phép của chính phủ Campuchia, World Vision đưa 20 trẻ em từ Phnom Penh sang Thái Lan, rồi từ đó đến California, Hoa Kỳ.  Vì World Vision không phải là tổ chức được cấp giấy phép cho nhận con nuôi tại California, họ trao lại quyền giám hộ của cả 20 trẻ em này cho Family Ministries với chỉ dẫn là chỉ cho các gia đình Cơ Đốc nhận nuôi các trẻ em này. 

Family Ministries phục vụ một cộng đồng Cơ Đốc Cải Chính truyền giáo (evangelical Protestant) và theo họ, Công Giáo (Catholics), Anh Giáo (Anglican/Episcopalians), Do Thái Giáo (Jews), Mormon, Sabath (Seventh Day Adventists) và Phật Giáo (Buddhists) không được coi là Cơ Đốc Cải Chính truyền giáo. 

Richard Scott, một trong các bác sỹ đến đón 20 em người Campuchia tại sân bay Los Angeles khi họ đến Hoa Kỳ.  Ông Scott khám cho Toup Ven, một em trong số đó, và nhận thấy em có sức khỏe bình thường.  Khi Toup Ven được đưa lên xe buýt, em bị đập đầu vào cửa xe và bị vỡ đầu.  Bác sỹ Scott chăm sóc cho Toup Ven tại bệnh viện.  Sau đó, bác sỹ Scott và gia đình yêu quý Toup Ven và liên hệ với Family Ministries để xin nhận nuôi em.  Family Ministries trả lời rằng vì gia đình bác sỹ Scott theo Anh Giáo, theo họ, không phải là Cơ Đốc Cải chính truyền giáo, nên họ không thể để cho gia đình ông bác sỹ nhận nuôi Toup Ven. 

Ngày 25 tháng 4 năm 1975, vợ chồng bác sỹ Scott đại diện cho chính mình và đại diện cho Toup Ven kiện Family Ministries vì Family Ministries đã áp đặt niềm tin của mình lên người khác. 

Tòa Án Phúc Thẩm đồng ý với tòa sơ thẩm cho vợ chồng bác sỹ Scott thắng kiện vì theo luật pháp California, "trẻ em sẽ được cho nhận nuôi bởi bố mẹ nuôi có cùng niềm tin tôn giáo giống với chúng hoặc của bố mẹ đẻ."  Tòa án mặc dù không xác nhận được niềm tin tôn giáo của Toup Ven nhưng vì con số thống kê cho thấy 92% người dân Campuchia lúc đó theo Phật Giáo, cho nên việc Family Ministries áp đặt hạn chế cho bố mẹ nhận con nuôi phải là Cơ Đốc Cải Chính truyền giáo là vi phạm luật.  Đó là lý do mà Tòa Án Phúc Thẩm đồng ý tước Family Ministries khỏi mọi quyền giám hộ với cả 20 trẻ em Campuchia đó! 

Ở đây, khoan nói về góc nhìn giáo lý khi Family Ministries không coi Anh Giáo hay Công Giáo là Cơ Đốc Cải Chính truyền giáo hay giáo lý nào mới đúng.  Chỉ xét từ khía cạnh giải quyết tranh chấp giữa những Cơ Đốc Nhân.  Dù ai có thắng vụ kiện thì thân thể của đấng Christ cũng đã bị phá hoại!  Với phán quyết này của tòa, các tổ chức nhận con nuôi Cơ đốc trên toàn California thực sự gặp khó khăn khi muốn tìm cặp bố mẹ cơ đốc để xin nhận con nuôi.   


Kết quả của phán quyết này, là quyền giám hộ đối với cả 20 trẻ em Campuchia này được giao lại cho cơ quan hành chính hạt Los Angeles và họ có toàn quyền lựa chọn bố mẹ nuôi cho các em, và niềm tin tôn giáo sẽ không còn là một tiêu chí để lựa chọn bố mẹ nuôi nữa.  Mục tiêu tìm bố mẹ nuôi cho các em với đức tin Cơ Đốc của Family Ministries và World Vision vì thế mà hoàn toàn thất bại.  Việc khác biệt về giáo lý giữa gia đình bác sỹ Scott hoàn toàn đã có thể giải quyết qua thương lượng nếu hai bên thực sự chia sẻ nguyên tắc trong I Cô-rinh-tô 6:1-11 và Ma-thi-ơ 18:15-20.  

Thứ Bảy, 13 tháng 9, 2014

Sao các anh dám kiện nhau

Gần đây, tôi đọc một bài viết của luật sư Samuel E. Ericsson viết từ năm 1987 về chủ đề tranh tụng giữa những Cơ Đốc Nhân và tôi muốn chia sẻ một phần bài viết đó với các bạn đọc của blog này. 


Phương pháp giải quyết tranh chấp của đấng Christ được nêu rõ nhất tại I Cô-rinh-tô 6:1-11 và Ma-thi-ơ 18:15-20.  Nhưng thật đáng tiếc, Cơ Đốc Nhân không phải lúc nào cũng tuân thủ theo những hướng dẫn này.  Tôi nhớ lần đầu tiên đọc I Cô-rinh-tô 6:1-11 với tư cách một luật sư.  Sứ đồ Phao-lô trách những Cơ Đốc Nhân ở thành Cô-rinh-tô rằng: "Sao các anh em dám kiện nhau!"  Đối với người kiếm sống bằng nghề kiện tụng, câu nói đó cắt đúng vào tim.  Vì thế tôi kiểm tra kỹ lại xem Phao-lô thực sự có ý gì.  Tôi đã nghiên cứu cả bản tiếng Hy lạp và điều Phao-lô muốn nói đúng là "Sao các anh em dám kiện nhau!"  Quan tâm chính của Phao-lô là thân thể của đấng Christ chính là lời chứng tốt lành cho những người chưa tin. 

Trong câu 7, Phao-lô tiếp lời, "Sao chẳng thà bị đối xử bất công đi? Sao chẳng thà chịu bị lừa gạt đi?" Đối với suy nghĩ luật sư của tôi, từ "bất công" và "lừa gạt" nói đến hai vấn đề thiệt hại hoàn toàn khác nhau.  Một người có thể bị đối xử một cách bất công do sự vô ý của người khác.  Nhưng lừa gạt lại là một hành động có chủ đích.  Do vậy, cho dù do vô ý hay có chủ đích, Phao-lô muốn nói rằng thà chịu thiệt một cách riêng tư còn hơn là hủy hoại danh Đấng Christ trước công chúng. 


Trong Ma-thi-ơ 18:15-20, Chúa Giê-xu đã lập ra nguyên tắc giải quyết mâu thuẫn cho những Cơ Đốc Nhân.  Bước 1: nói chuyện với người kia một cách riêng tư về vấn đề mâu thuẫn - một người với một người.  Bước 2: nếu cuộc gặp riêng đó không đem lại hòa giải, hãy nói chuyện lại với người đó một lần nữa dưới sự chứng kiến của một hoặc hai nhân chứng có thể làm chứng xác minh sự thật.  Bước 3: nếu buổi gặp thứ hai cũng không đưa đến sự hòa giải, đưa vấn đề này ra trước Hội thánh để cùng giải quyết.  Bước 4: nếu Hội thánh sau khi nghe xong, cũng không hòa giải được, và một người không đồng ý với quyết định của Hội thánh, và chỉ trong trường hợp đó, người đó sẽ bị coi là người ngoại (dứt phép thông công).  Nguyên tắc ở đây là trong tất cả các bước, mục tiêu xuyên suốt là hòa giải giữa các bên.  Hội thánh phải hành động một cách có trách nhiệm, hành xử để bảo vệ tính chính trực của nhiệm vụ mà Chúa đã ủy thác cho chúng ta.  Chỉ có thông qua công việc của Đấng Christ trong Hội thánh mà các mâu thuẫn có thể được giải quyết một cách thành công. 

Vài năm trước, hội thánh mà tôi đi nhóm xây dựng một cơ sở mới trị giá 2,3 triệu USD.  Hội thánh có một hợp đồng "chìa khóa trao tay", có nghĩa là bên nhà thầu xây dựng sẽ có trách nhiệm với tất cả mọi khoản chi phí phát sinh.  Để chốt mức giá này, hội thánh đã thanh toán một khoản tiền đặt cọc khá lớn. 

Trong khi đang thi công, một khoản phí 180.000 USD phát sinh.  Mâu thuẫn nảy sinh, và mục sư tuyên bố với các tín hữu là ban chấp sự sẽ gặp với nhà thầu xây dựng, cũng tự nhận là Cơ Đốc Nhân.  "Nếu chúng ta không giải quyết được việc này," mục sư nói, "có lẽ chúng ta sẽ ra tòa."  Sau thông báo, tôi xin phép trưởng ban chấp sự được tham gia buổi họp với tư cách người quan sát.  Trong buổi họp đó, tôi lắng nghe hơn một tiếng rưỡi hai bên thương thảo về khoản phát sinh 180.000 USD.  Thực tế là hai bên đều đã cố gắng với thiện chí.  Không có dấu hiệu gì về việc cố tình làm trái, nhưng vấn đề 180.000 USD vẫn còn đó.  Cả hai bên đều có cơ sở pháp lý.  Vậy họ nên làm gì? 

Tôi dần nhắc cho mọi người về I Cô-rinh-tô 6:1-11, "Sao các anh em dám kiện nhau!"  Trong vòng một tiếng rưỡi tiếp theo, hội thánh đã đồng ý sẽ trả thêm 70.000 USD, và nhà thầu xây dựng sẽ chịu lỗ 110.000 USD.  Giáo sư dạy tôi ở trường luật chắc hẳn đã tự hào.  Chỉ một tiếng rưỡi đã giải quyết xong một mâu thuẫn mà không cần phải kiện tụng; thật là tuyệt. 

Nhưng công việc của tôi vẫn còn dang dở.  Công việc phân chia đúng sai thì tòa án nào cũng làm được, nhưng thường thì họ mất đến bảy năm để thực hiện.  Hơn nữa, rõ ràng là cả hai bên đều không vui vì bị mất tiền.  Đại diện nhà thầu nói "Cộng sự của tôi và tôi bay từ Michigan đến để ngồi thương lượng mặt đối mặt với các vị vì chúng tôi cũng không muốn phải qua luật sư." 
Tôi hỏi "Chi phí các ông bay đến đây là bao nhiêu?"

"610 USD, 305 USD cho mỗi người," ông ấy nói. 

Tôi rút quyển séc ra và viết một tờ séc 610 USD và đưa cho ông ấy. 

Ông ta hỏi "Cái này để làm gì?"

Tôi trả lời, "Kinh Thánh dạy rằng khi một thành viên của thân thể chịu khổ, tất cả chúng ta cùng chịu khổ.  Các ông vừa chịu lỗ 110.000 USD; hội thánh thì bị mất 70.000 USD.  Việc nhỏ nhất tôi có thể làm là chia sẻ một phần sự mất mát đó với các ông, vì tôi tin rằng các ông đều làm việc có thiện chí." 

Sau khi nghe tôi giải thích, người đại diện của nhà thầu viết tên ông ấy và chuyển lại tờ séc làm tiền dâng hiến cho hội thánh.  Theo tôi, ông ấy vừa mất 110.610 USD, trong đó 110.000 USD để giải quyết tranh chấp và 610 USD để hàn gắn mối quan hệ! 



Sam Ericsson cũng kể lại câu truyện này trong bài giảng tại trường Master's College trong đường link trên đây.  Các bạn có thể nghe lại bài giảng khi có thời gian.  

Luật sư Samuel E. Ericsson

Samuel E. Ericsson tốt nghiệp đại học University of Southern California năm 1966, lấy bằng luật tại Harvard Law School năm 1969.  Khi viết bài báo mà tôi trích dẫn ở trên, Sam Ericsson là luật sư hợp danh của một công ty luật lớn ở Los Angeles, California, Hoa Kỳ chuyên về tranh tụng thương mại.  Ông đồng thời giữ chức Giám đốc Cao cấp của tổ chức luật sư Cơ đốc, Christian Legal Society với 4,500 thành viên.  Trong suốt thập niên 1980, Sam Ericsson viết hơn 50 đơn đề nghị gửi lên Tòa Án Tối Cao Hoa Kỳ về các vấn đề liên quan đến quan hệ chính phủ - hội thánh.  Năm 1991, Sam Ericsson sáng lập tổ chức Advocate International, mạng lưới liên kết luật sư, thẩm phán với hơn 30,000 thành viên trên 150 quốc gia.  Sam Ericsson qua đời năm 2011 sau 11 năm chống trọi với căn bệnh ung thư.  

Thứ Ba, 9 tháng 9, 2014

Tưởng nhớ Truett Cathy

S. Truett Cathy - ngoài cùng bên phải

Cộng đồng Regent cùng với các tín hữu trên khắp mọi nơi chia buồn về sự ra đi của nhà lãnh đạo kiệt xuất và đầy khải tượng S. Truett Cathy, nhà sáng lập chuỗi nhà hàng Chick-fil-A.  Nhà sáng lập, Hiệu trưởng và CEO của Regent, Tiến sĩ M.G. "Pat" Robertson tuyên bố sáng nay khi ông nghe về sự ra đi của Cathy. 

"Thật là vinh hạnh lớn cho tôi được biết Truett Cathy trong nhiều thập kỷ qua và tôi luôn coi ông ấy là một người bạn thân.  Ông ấy là nhà kinh doanh tiên phong kiệt xuất mà đã để lại những dấu ấn về sự phục vụ và sáng tạo, nhưng hơn hết, ông ấy là một người phục vụ khiêm nhường của Đức Chúa Giê-xu Christ," Robertson nói.  "Chúng tôi tại Trường Đại học Regent và CBN đều rất buồn vì sự ra đi của ông ấy và xin gửi đến gia đình lời chia buồn chân thành nhất." 

Cathy khai trương nhà hàng đầu tiên ở tiểu bang Georgia năm 1946.  Chuỗi nhà hàng của ông đã phát triển lên hơn 1,800 nhà hàng ở khắp 39 tiểu bang.  Ông về với Chúa Thứ Hai, Ngày 8 Tháng 9 Năm 2014 ở tuổi 93.    

Ngày hôm nay, các hãng tin lớn ở khắp nước Mỹ và thế giới như Bloomberg, CBS, CBN, CNN, .v.v. đều đưa tin về sự ra đi của Truett Cathy.  Dưới đây là một vài lời từ kênh truyền hình CBN.  


Truett Cathy là một minh chứng khi đặt để Chúa lên trên hết trong mọi việc.  Mục tiêu kinh doanh của Chick-fil-A có viết "... ĐỂ TÔN VINH CHÚA BẰNG CÁCH TRỞ THÀNH MỘT NGƯỜI QUẢN GIA TRUNG TÍN VỚI TẤT CẢ NHỮNG GÌ ĐƯỢC ỦY THÁC CHO CHÚNG TA."  Với công việc kinh doanh nhà hàng ăn, Truett Cathy đặt các nguyên tắc (Principles) và con người (People) lên trên lợi nhuận (Profit).  Từ thuở ban đầu, Chick-fil-A luôn đóng cửa vào ngày Chúa Nhật, việc đó làm giảm doanh thu và lợi nhuận đáng kể nhưng sự thành công của Chick-fil-A là lời chứng rõ ràng nhất cho sự trung tín của ông!