Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014

Sự kêu gọi làm người hòa giải

"Phúc cho những ai mang lại hòa thuận, vì Đức Chúa Trời sẽ gọi họ là con cái Ngài" Ma-thi-ơ 5:9



Có thể đã có lúc các bạn nghĩ rằng phương pháp hòa giải mâu thuẫn giữa các Cơ Đốc Nhân chỉ có thể áp dụng được với các vấn đề nhỏ? các vấn đề không quan trọng đến tính mạng con người? các vấn đề không phức tạp?  Vậy, hãy xem Đấng Christ đã hòa giải mâu thuẫn giữa Đức Chúa Trời và loài người tội lỗi như thế nào?  Có phải Ngài chỉ gọi các bên đến ngồi lại với nhau, đạt được thỏa thuận, quay về văn phòng, soạn thảo một bản hợp đồng, đưa cho các bên ký và thu phí tư vấn?  KHÔNG, chính Ngài đã trả TẤT CẢ chi phí.  Đó là sự khác biệt giữa hòa giải Cơ Đốc và các phương pháp khác của con người.  Người hòa giải Cơ Đốc là người được gọi để trở nên giống Đấng Christ.  Mọi người liên quan đến tranh chấp vừa phải cố gắng tìm ra sự thật, vừa phải học cách dâng mình như chính Chúa đã dâng mình Ngài cho chúng ta. 

Thư Phi-líp 2:1-8 hướng dẫn cho chúng ta theo sự chỉ dẫn của Chúa bằng cách quan tâm đến lợi ích của người khác hơn là lợi ích của bản thân.  Nghĩ đến lợi ích của người khác, chìa khóa của việc hòa giải, chính là một nguyên tắc sống.  Nhưng liệu lối sống đó có tác dụng? 

Sam Ericsson chia sẻ một trường hợp khác khi mục sư liên hệ với ông về một tình huống có một người phụ nữ 22 tuổi vừa mới sinh một đứa con ngoài giá thú, và đã được cô ấy cho đi làm con nuôi qua sự giúp đỡ của hội thánh.  Lúc đó, mục sư nói với cô gái rằng cô ấy có một năm để thay đổi quyết định trước khi việc nhận con nuôi hoàn tất.  Nhưng thực tế, theo luật của tiểu bang đó, thời gian chỉ là sáu tháng.  Một cách vô tình, vị mục sư kia đã đưa ra một lời tư vấn pháp lý sai. 

Sau sáu tháng, một nhân viên hoạt động xã hội đến với người mẹ trẻ để lấy chữ ký của cô cho thủ tục nhận con nuôi, nhưng cô ấy không đồng ý.  Cô ấy thấy được thuyết phục rằng Chúa muốn cô ấy nuôi đứa bé này.  Nhưng mặt khác, cặp bố mẹ nhận nuôi cũng được thuyết phục rằng đứa trẻ chính là câu trả lời của Chúa cho lời cầu nguyện trong suốt bảy năm qua của họ. 

Luật sư của cả hai bên đều là Cơ Đốc Nhân nên Sam Ericsson gợi ý cho họ rằng thay vì ra tòa, tại sao không đưa vụ việc này ra cho Hội thánh xem xét?  Sau một tuần cầu nguyện, cả hai bên đồng ý và bắt đầu lên kế hoạch họp.  Có một vài cách để giải quyết việc này, nhưng Sam Ericsson gợi ý cách thành công nhất là sử dụng một hội đồng gồm ba người (một luật sư Cơ đốc, một mục sư và một tín hữu có chuyên môn về lĩnh vực đang tranh chấp).  I Cô-rinh-tô 6:1-11 gợi ý là các bên tranh chấp biết rõ những người sẽ xét xử cho mình; những vị thẩm phán này không phải người xa lạ.  Họ phải là những người có uy tín về những phán quyết hợp tình hợp lý và công bằng. 

Cuộc hòa giải bắt đầu bằng ba câu hỏi: (1) "Tại sao các anh em lại có mặt ở đây?", được trả lời bằng việc đọc I Cô-rinh-tô 6:1-11; (2) "Chúng ta sẽ phải cư xử như thế nào?", đọc Phi-líp 2:1-8; và (3) "Thái độ của chúng ta sẽ phải như thế nào?", được trả lời bằng I Cô-rinh-tô 13.  Sau đó là lời cầu nguyện. 

Trong một phiên tòa thông thường, một phía cố gắng đưa ra các điểm mạnh nhất cho mình và tránh đề cập đến những điểm mạnh của đối phương.  Nhưng trong trường hợp này, cả bố mẹ nhận nuôi và bà mẹ trẻ đều xây dựng cho bên kia.  Thậm chí là cả các luật sư cũng bắt đầu chỉ ra những điểm mạnh của bên kia.  Sau buổi biện luận, hai bà mẹ ôm lấy nhau.  Mỗi bên rời buổi biện luận tin rằng người kia có lý hơn. 

Hội đồng suy ngẫm lời Chúa, xem xét cặn kẽ các vấn đề chứng cứ và tìm kiếm ý Chúa.  Cuối cùng, sau hai tuần, họ đưa ra phán quyết bằng văn bản kết luận rằng họ tin tưởng ý Chúa để cho đứa trẻ được tiếp tục sống với bố mẹ nuôi.  Đây không phải là một kết quả mà người mẹ trẻ muốn nghe, nhưng cô ấy nói "Tôi chưa bao giờ được trải qua một thủ tục công bằng hơn thế này, và tôi chấp nhận quyết định này." 

Khi chúng ta đưa vấn đề ra giữa Hội thánh, không có gì đảm bảo là chúng ta sẽ đạt được kết quả mà mình muốn.  Hội thánh thậm chí có thể mắc sai lầm.  Nhưng, chúng ta vẫn phải làm theo thủ tục mà Đấng Christ đã thiết lập tại Ma-thi-ơ 18:15-20 và Phao-lô khẳng định lại trong I Cô-rinh-tô 6:1-11.  Nếu thủ tục này được thực hiện một cách liêm chính, thì không có một thủ tục nào có thể công bằng hơn để giải quyết các tranh chấp giữa Cơ Đốc Nhân. 


Tôi cũng cùng một niềm tin với Sam Ericsson, chúng ta đang sống trong một thế giới sa ngã, không có bất cứ thủ tục, hệ thống pháp lý hay thẩm phán nào có thể đảm bảo chúng ta sẽ được điều mình muốn.  Tuy nhiên, mục đích cho cuộc sống của chúng ta ở trên đất là gây dựng cho thân thể của Đấng Christ qua việc gây dựng các anh chị em trong cùng đức tin.  Thủ tục hòa giải là cách làm tốt nhất!  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét