Thứ Sáu, 3 tháng 10, 2014

Thân thể Đấng Christ

"Anh chị em là thân thể của Ðấng Christ và mỗi người là một chi thể" I Cô-rinh-tô 12:27


Trong thư tín gửi cho hội thánh ở Cô-rinh-tô, Phao-lô liên hệ hình ảnh về hội thánh toàn cầu là thân thể của Đấng Christ và mỗi cá nhân là một chi thể.  Trong các thư tín của mình, Phao-lô chỉ dùng chữ "hội thánh" ("ἐκκλησία" - phiên âm tiếng Anh là ecclesia) chứ không có chữ "nhà thờ".  Chữ ecclesia có nghĩa là hội đồng những người thánh, nói ngắn gọn là hội thánh.  Còn chữ "nhà thờ" (church) là chỉ về một công trình kiến trúc hữu hình, là khái niệm chỉ được các giáo hội sau này sử dụng.  

Tháp Ba-bên, công trình trọc trời đầu tiên của loài người

Trong thời kỳ đầu của lịch sử loài người, sau khi con người hư mất vì tội lỗi, bản thân con người cũng có ước muốn được quay trở lại với Đức Chúa Trời.  Và bằng sức riêng của mình, họ xây tháp Ba-bên với kỳ vọng là sẽ xây cao đến trời!  Nhưng chúng ta đều biết kết cục là dự án tháp Ba-bên hoàn toàn thất bại.  Sau tháp Ba-bên, Kim Tự Tháp Giza ở Ai Cập thống lĩnh ở vị trí công trình cao nhất thế giới suốt 3800 năm cho đến kỷ nguyên Cơ Đốc Giáo phục hưng ở Châu Âu.  Năm 1311, Nhà Thờ Lớn Lincoln (tên khác là Nhà Thờ Lớn Thánh Mary) ở Anh Quốc đoạt ngôi công trình cao nhất thế giới từ Giza và giữ vững danh hiệu này trong suốt 238 năm.  Trong suốt 600 năm tiếp theo, các thành phố lớn ở khắp Châu Âu, từ Anh đến Pháp, Đức đều đua nhau xây dựng những nhà thờ cao hơn, đẹp hơn và cầu kỳ hơn.  Nhà thờ cuối cùng được công nhận là công trình kiến trúc cao nhất thế giới là Ulm Minister ở vùng Bavaria, nước Đức, nóc nhà của thế giới từ khi khánh thành năm 1890 đến khi kỷ lục bị phá vỡ năm 1901.  Thế kỷ 20 cũng đặt dấu chấm hết cho cuộc đua của các nhà thờ trở thành công trình kiến trúc vĩ đại. 

Nhà thờ lớn Pha lê được ghép hoàn toàn bằng các tấm kính và giàn khung thép

Mặc dù cuộc đua của những ngôi nhà thờ trọc trời dường như đã dừng lại, nhưng các ngôi nhà thờ lộng lẫy, xa hoa vẫn không ngừng mọc lên.  Gần đây, tôi có dịp đến Nhà Thờ Ba Ngôi (Trinity Church) ở phố Wall, Manhattan, New York, một ngôi nhà thờ cổ kính xây bằng đá đỏ từ thế kỷ 18 nằm ở khu phố nhộn nhịp nhất thế giới này được tờ tạp chí tài chính hàng đầu, Thời báo New York (New York Times) định giá bất động sản lên đến hơn 42,000 tỷ đồng (2 tỷ USD) theo thời giá năm 2013.  Cũng theo Thời báo New York, nhà thờ này đang bị chia rẽ vì họ không biết nên làm gì với số tài sản khổng lồ họ có.  Trong lúc chưa quyết định được, họ đồng ý nâng lương cho mục sư chủ tọa từ 9 tỷ đồng (475.000 USD) lên 30 tỷ đồng (1.500.000 USD) mỗi năm và tặng cho ông ấy căn nhà trị giá 120 tỷ đồng (5.500.000 USD) do lạm phát!  Nhà Thờ Công Giáo Đấng Christ là Ánh Sáng ở Oakland, CA từ năm 2008 xây dựng cơ sở mới trị giá 2,700 tỷ đồng (130 triệu USD).  Nhà Thờ Baptist Thứ Nhất Dallas ở Dallas, TX cũng đang gây quỹ xây dựng 2,700 tỷ đồng (130 triệu USD) cho một điểm nhóm mới.  Nhà Thờ Lakewood ở Houston, TX cũng mới bỏ ra 1,500 tỷ đồng (75 triệu USD) cho việc... sửa sang.  Gần đây nhất là Nhà Thờ Cảm Hứng Thân Thể Đấng Christ ở Dallas, TX đầu tư một bể cá cảnh nước mặn[1] trị giá hơn 800 tỷ đồng (40 triệu USD).  Câu truyện đáng buồn nhất là Nhà Thờ Lớn Pha Lê ở Quận Cam, CA phải tuyên bố phá sản năm 2010 vì khoản nợ hơn 1,000 tỷ đồng (50 triệu USD), và phần lớn số nợ đó phát sinh từ chi phí xây dựng ngôi nhà thờ gần 3,000 chỗ ngồi toàn bộ bằng kính trang lệ này. 

Mục sư John Yates giảng tại Hội thánh Anh Giáo Falls Church

Trong khi đó, hội thánh Anh Giáo Falls Church, một hội thánh có hơn 4,000 tín đồ ở thành phố Falls Church bang Virginia, quyết định bỏ lại ngôi nhà thờ được xây dựng tuyệt đẹp từ thế kỷ 18 của họ vì sự sụp đổ về giáo lý của Anh Giáo Hoa Kỳ (Episcopal).  Hội thánh Anh Giáo Falls Church là một trong hơn 1,000 hội thánh Anh Giáo Hoa Kỳ đã quyết định rời bỏ giáo hội vì sự suy đồi của giáo hội và cái giá họ phải trả là mất địa điểm nhóm.  Khi quyết định rời bỏ giáo hội Anh Giáo Hoa Kỳ, hội thánh Anh Giáo Falls Church bàn giao lại toàn bộ tài sản gồm đất đai và toàn bộ tài sản khác.  Sau khi rời khỏi ngôi nhà thờ cũ, mục sư John Yates có khải tượng về xây dựng các hội thánh con (daughter churches) thay vì tập trung tại một hội thánh lớn để phát triển. 

Vợ chồng tôi có dịp đến nhóm tại Hội thánh Anh Giáo Phục Hồi (Restoration Anglican Church), một hội thánh con được thành lập với 70 tín hữu, trong 5 năm đã phát triển thành hơn 400 tín hữu!  Thậm chí địa điểm mà ban đầu họ thuê của một hội thánh Baptist đã được họ mua lại và xây dựng mở rộng vì hội thánh Baptist đó không còn đủ tín hữu để duy trì hoạt động và địa điểm đó quá nhỏ cho mục đích phát triển.  Hội thánh Anh Giáo Phục Hồi là một trong 6 hội thánh con phát triển ra từ Hội thánh Anh Giáo Falls Church. 

Hội thánh (ἐκκλησία - ecclesia) chính là trọng tâm của sứ điệp cứu rỗi.  Việc xây dựng hội thánh, hay chính là gây dựng những anh chị em trong thân thể Đấng Christ mới là mục đích sống quan trọng của mỗi Cơ Đốc Nhân.  Đúng là chúng ta cần có địa điểm để nhóm họp, thờ phượng Chúa và chia sẻ đời sống với nhau, nhưng khi việc xây dựng nhà thờ không bao giờ có thể được ưu tiên hơn việc xây dựng hội thánh.  




[1] Dallas là thành phố nằm sâu trong lục địa bang Texas, vùng biển gần nhất cũng phải 5-6 tiếng lái xe.  Việc đầu tư bể cá nước mặn được ông mục sư chủ tọa chia sẻ là được cảm hứng từ hình ảnh Chúa Giê-xu kêu gọi các môn đồ trở thành tay đánh lưới người!  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét