Một tháng nữa, ngày 17 tháng 12[1], là lễ
Chanukkah hay Hanukkah, có lẽ là ngày lễ nổi tiếng nhất của người Do Thái tại
các quốc gia Bắc Mỹ và Tây Âu. Sự nổi tiếng
và quen thuộc của ngày lễ này với những người ngoài cộng đồng Do Thái không phải
vì tầm quan trọng về ý nghĩa tôn giáo của nó nhưng vì việc nó thường được tổ chức
trong dịp Cơ đốc nhân kỷ niệm Lễ Giáng Sinh.
Có lẽ đây cũng là dịp tiện để chia sẻ với các bạn bài diễn thuyết của Tiến
sỹ, mục sư M. G. "Pat" Robertson trước các lãnh đạo nhà nước Israel với
chủ đề "Tại sao Cơ đốc nhân Truyền giáo ủng hộ Israel"[2].
Ngôi sao Đa-vít, biểu tượng trên lá cờ tổ quốc của nhà nước Israel |
Một ngày cuối thế kỷ 19, Nữ hoàng Victoria của Nước Anh hỏi
thủ tướng Anh lúc đó, Benjamin Disraeli[3] rằng:
"Theo ông, có chứng cứ nào để chứng minh sự tồn tại của Đức Chúa Trời?"
Disraeli nghĩ một lát và trả lời: "Dân Do Thái, thưa nữ
hoàng."
Khi suy ngẫm lại, theo Disraeli, chứng cứ cơ bản về sự tồn tại
của Đức Chúa Trời chính là sự tồn tại của người Do Thái ... một dân tộc mà năm
586 Tr.C, đã bị đưa đi lưu đày ở Ba-by-lon, nhưng được đưa về sau 70 năm để tái
thiết lại đất nước. Họ lại bị thảm sát một
cách tàn khốc và làm cho tan lạc bởi người La Mã năm 70 S.C, nhưng sau hơn chục
thế kỷ bị tản lạc, bị trục xuất, bị tàn sát bởi Nga hoàng, Đức Quốc Xã, và bao
nhiều các âm mưu diệt chủng khác, họ vẫn giữ vững đức tin, truyền thống - và
ngày nay, sau 2,500 năm lưu lạc, đã trở về miền đất được Đức Chúa Trời hứa ban
cho tổ phụ của họ. Một quốc gia mới bắt
đầu trên mảnh đất này năm 1948 được đặt theo tên của Gia-cốp, tổ phụ của họ,
người mà được Đức Chúa Trời đặt tên lại là I-sơ-ra-ên (Israel), nghĩa là "Hoàng
tử của Đức Chúa Trời[4]." Để làm ứng nghiệm những lời tiên tri cổ đại,
Đức Chúa Trời đã cảm động lòng của Eliezer Ben-Yehuda[5], được
con trai Ehud của ông thuật lại với tôi rằng, khi cha ông còn sống ở Đông Âu,
ông nghe tiếng phán và nhìn thấy ánh sáng hướng dẫn ông mang lại cho người Do
Thái một ngôn ngữ thuần khiết, tiếng Hê-bơ-rơ, ngôn ngữ của Torah[6] và
các tiên tri cổ đại.
Đúng vậy, sự tồn vong của người Do Thái là phép lạ của Đức
Chúa Trời. Việc người Do Thái quay về miền
đất được hứa ban cho Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp là phép lạ của Đức Chúa Trời. Các chiến thắng ấn tượng của quân đội Do Thái
trước mọi kẻ thù trong các cuộc chiến tranh năm 1948, 1967 và 1973 rõ ràng là
phép lạ của Đức Chúa Trời. Những thành
quả công nghệ kỳ diệu của nền công nghiệp Israel, sức mạnh quân sự, sự phồn thịnh
của nền nông nghiệp Israel, hoa trái và sự tươi tốt của mảnh đất này là lời chứng
về sự quan tâm, săn sóc của Đức Chúa Trời đối với quốc gia mới này và sự khôn
ngoan trời phú của những con người này.
Nhưng những gì đang xảy ra đều đã được báo trước bởi lời của tiên tri
Ê-xê-chi-ên với người Do Thái trong thời kỳ bị lưu đày ở Ba-by-lon:
"Ta
sẽ đưa các ngươi ra khỏi các dân; Ta sẽ nhóm họp các ngươi về từ mọi nước và Ta
sẽ đem các ngươi trở về đất nước của các ngươi. ... Ta sẽ ban cho các ngươi một tấm lòng mới và đặt
một tâm linh mới trong các ngươi... khiến các ngươi vâng theo các luật lệ Ta và
cẩn thận vâng giữ các mạng lệnh Ta. Các
ngươi sẽ được sống trong đất Ta đã ban cho tổ phụ các ngươi, rồi các ngươi sẽ
làm dân Ta và Ta sẽ làm Đức Chúa Trời của các ngươi. Ta sẽ cứu các ngươi ra khỏi mọi sự ô uế của
các ngươi.
"Ta
sẽ truyền cho ngũ cốc để chúng gia tăng sản lượng... Ta sẽ làm cho cây ăn quả của
các ngươi sai trái và ruộng rẫy của các ngươi luôn được mùa, để các ngươi không
bao giờ bị khổ nhục vì nạn đói trước mặt các dân nữa. ... CHÚA Hằng Hữu phán, "Trong ngày Ta sẽ tẩy
sạch khỏi các ngươi mọi tội lỗi của các ngươi, Ta sẽ làm cho các thành phố của
các ngươi có người ở, những nơi đổ nát sẽ được xây dựng lại. Những đất đai bị bỏ hoang sẽ được cày cấy,
thay vì cứ bị bỏ hoang trước mắt những kẻ qua lại. Họ sẽ nói "Đất này lâu nay bị bỏ hoang,
mà bây giờ đã trở nên như cảnh vườn Ê-đen; những thành vốn điêu tàn, hoang vắng,
và đổ nát, bây giờ có đông người ở và trở nên hùng cường.""
Khi ấy
các dân còn sót lại đang sống chung quanh các ngươi sẽ biết rằng Ta, CHÚA, đã
xây dựng lại những nơi đổ nát và trồng trọt lại những ruộng đất đã bị bỏ
hoang. Ta, CHÚA, đã phán như thế, và Ta
sẽ làm như thế." (Ê-xê-chi-ên 36:24-36).
Cơ đốc nhân truyền giáo ủng hộ Israel vì chúng ta tin tin rằng
những lời của Môi-se và các tiên tri cổ đại được Đức Chúa Trời truyền cảm hứng. Chúng ta tin vào việc hình thành nhà nước
Israel trên miền đất đã được Đức Chúa Trời hứa cho Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp,
và được Đức Chúa Trời xức dầu. Chúng ta
tin rằng Đức Chúa Trời có kế hoạch dùng đất nước này là nguồn phước cho các nước
trên khắp cả thế giới.
Tất nhiên, chúng ta, cũng như mọi người có tri thức, ủng hộ
Israel vì Israel là ốc đảo dân chủ, ốc đảo tự do cá nhân, ốc đảo về sự tôn trọng
luật pháp, và một ốc đảo về sự hiện đại trong một biển các chế độ độc tài, sự
đàn áp tự do cá nhân, và ý chí tôn giáo muốn quay trở lại xã hội phong kiến Ả-rập
thế kỷ 8.
Những thực tế về đất nước Israel hiện đại đều là sự thật. Nhưng chỉ những phát biểu chính trị không
thôi là chưa đủ để thể hiện hết những nhiệt huyết dành cho Israel ở trong lòng
của hàng trăm triệu Cơ đốc nhân truyền giáo.
Quý vị phải nhận ra rằng Đức Chúa Trời, đấng đã phán với
Môi-se trên núi Sinai là Đức Chúa Trời của chúng ta. Áp-ra-ham, Y-sác, và Gia cốp là các Tổ phụ
thuộc linh của chúng ta. Giê-rê-mi,
Ê-xê-chi-ên, và Đa-ni-ên là những vị tiên tri của chúng ta. Vua Đa-vít, người vừa lòng Chúa, là anh hùng
của chúng ta. Giê-ru-sa-lem thánh là thủ
đô thuộc linh của chúng ta. Việc người
Do Thái tiếp tục duy trì chủ quyền trên miền Đất Thánh là bằng chứng cho chúng
ta về việc Đức Chúa Trời của Kinh Thánh thực sự tồn tại và Lời Ngài là lẽ thật.
Và chúng ta lưu ý rằng Cơ đốc nhân truyền giáo ngày nay đang
hầu việc một người Do Thái mà chúng ta tin rằng Ngài chính là Đấng Mê-si của
Israel được các tiên tri cổ đại nhắc đến, và Ngài cũng giao nhiệm vụ truyền
giao sứ mạng cứu rỗi đến thế giới qua mười hai môn đồ người Do Thái.
Chúng ta biết rằng Cơ đốc giáo ngày nay với hơn 2 tỷ tín đồ,
là tôn giáo phát triển nhanh nhất thế giới.
Chỉ trong vòng 20 năm nữa, con số này sẽ tăng lên 3 tỷ. Trong số đó, ít nhất 600 triệu là những Cơ đốc
nhân truyền giáo và đầy rẫy thuộc linh, tin vào Kinh Thánh, và ủng hộ nhà nước
Israel. Trong 20 năm nữa, con số này sẽ
tăng lên 1 tỷ. Israel có hàng triệu người
bạn Cơ đốc nhân ở Trung Quốc, Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a, trên khắp Châu Phi và Nam Mỹ,
cũng như Bắc Mỹ.
Chúng tôi sát cánh trong cuộc đấu tranh của các bạn. Chúng tôi ở cùng các bạn khi ngọn sóng bài trừ
Do Thái đang dâng lên trên toàn thế giới.
Chúng tôi ở cùng các bạn bất kể mối đe dọa của nhóm Thánh chiến Wahabi,
nhóm khủng bố Hezbollah, và những kẻ ám sát Hamas. Chúng tôi sát cánh với các bạn bất chấp các lệnh
cấm vận dầu mỏ, mất đồng minh, và các vụ tấn công khủng bố trên các thành phố của
các bạn.
Chúng tôi, những Cơ đốc nhân truyền giáo nói với những người
bạn Israel rằng "Hãy để chúng tôi cùng hầu việc Đức Chúa Trời của chúng ta
bằng cách chống lại nọc độc của chủ nghĩa bài Do Thái và bài Si-ôn đang dâng
trào trên toàn thế giới." Sau khi
khẳng định cam kết ủng hộ của mình, tôi muốn đề đạt hai vấn đề với những người
bạn Do Thái:
Thứ nhất, xin đừng tự phá hủy quốc gia mình. Nếu các bạn chủ đích phá hủy quốc gia mình,
thì sẽ rất khó cho những người bạn như chúng tôi ủng hộ các bạn.
Chắc tôi không cần phải nhắc lại cho các khán giả tại đây mục
đích của Yasser Arafat, PLO, Hamas, Hezbollah và nhóm Thánh chiến Hồi
giáo. Mục tiêu của họ không phải là hòa
bình, nhưng là sự hủy diệt hoàn toàn của Nhà nước Israel. Chưa bao giờ họ và các đồng minh của họ trong
thế giới Hồi giáo công nhận quyền tự chủ của Israel đối với bất kỳ tấc lãnh thổ
nào ở Trung Đông. Nếu một nhà nước
Palestine được hình thành trong lòng Israel với quyền tự chủ để thành lập quân
đội, nhập vũ khí hiện đại, thậm chí cả những vũ khí hủy diệt hàng loạt, và được
hoạt động hoàn toàn bí mật và có quyền miễn trừ ngoại giao, khả năng phòng vệ của
Nhà nước Israel sẽ bị giảm sút nghiêm trọng.
Thông điệp "đổi đất lấy hòa bình" là một ảo tưởng
viển vông. Vùng Sinai đã bị mất. Nó có
đem lại hòa bình vĩnh viễn không?
Không. Miền Nam Liban đã mất. Nó có đem lại hòa bĩnh vĩnh viễn không? Không.
Mặt khác, Hezbollah đưa xe tăng tới biên giới Israel và hô hào "Vào
Giê-ru-sa-lem!" Ngày nay, có đến
10,000 tên lửa đã bắn vào Metulla, Qiryat, Shemona, và toàn miền bắc Israel xuất
phát từ lãnh thổ Miền Nam Liban. Arafat
được trưởng dưỡng bởi người đã thề sẽ hoàn tất công việc của Adolf Hitler. Làm sao để một người theo chủ nghĩa hiện thực
có thể tin rằng kẻ sát nhân này và các cộng sự của hắn có thể trở thành đồng
minh hòa bình được?
Tôi hiểu sâu thẳm trong tim nhiều người Israel muốn hòa
bình, muốn được tự do khỏi những nỗi sợ khủng bố của những kẻ đánh bom cảm tử. Tôi muốn lưu ý các bạn về sự kiện trong Chiến
tranh Lạnh, người dân Hoa Kỳ cũng muốn được tự do khỏi nỗi ám ảnh hủy diệt hạt
nhân. Khi đó, tại Reykjavik, Ai-xơ-len,
trong một cuộc hội đàm giữa Tổng thống Ronald Reagan của Hoa Kỳ và Chủ tịch
Mikhail Gorbachev của Liên Xô, một cơ hội tuyệt vời cho hòa bình được cả Tổng
thống Reagan và Gorbachev xem xét. Lời đề
xuất về việc cắt giảm vũ khí hạt nhân không tưởng được đưa ra. Lời đề xuất của Gorbachev bao gồm tất cả mọi
điều khoản mà phái đoàn đàm phán về vũ khí của Hoa Kỳ muốn, ngoại trừ một điều
khoản. Điều kiện của phía Liên Xô là Hoa
Kỳ phải từ bỏ Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược, hay còn gọi là "chiến tranh
giữa các vì sao".
Tổng thống Reagan xem xét một cách cẩn thận lời đề xuất và
thẳng thừng từ chối. Nếu không có Sáng
kiến Phòng thủ Chiến lược, sẽ không đạt được thỏa thuận. Gorbachev sững sờ. Cả hai nhà lãnh đạo, với nỗi buồn trong lòng,
kết thúc cuộc hội đàm và rời Reykjavik.
Một lần nữa, thế giới đối mặt với nguy cơ hủy diệt hạt nhân. Các báo chí tự do Mỹ chỉ trích quyết định của
Reagan. Nhưng, ông ấy giữ vững quan điểm.
Ngày nay, chúng ta đều biết rằng ông ấy đã đúng. Người Nga không thể cạnh tranh được với Hoa Kỳ
trong cuộc chạy đua vũ trang và Gorbachev đã biết điều đó. Khi sự hăm dọa kết thúc, mối hiểm họa cũng
qua, Reagan đã thắng lợi bằng việc đứng vững.
Không lâu sau, sự tự do bùng nổ ở Ba Lan, Hung-ga-ri, và Đông Đức. Bức tường Béc-lin sụp đổ. Những hàng rào thép gai bị dỡ bỏ.
Thế giới được bảo vệ khỏi nỗi sợ hạt nhân. Nỗi sợ này không còn nữa khi một người lãnh đạo
mạnh mẽ đứng vững, bất chấp ý kiến của công chúng, ngược lại với lời khuyên của
rất nhiều cố vấn và nói không! Mong rằng
các nhà lãnh đạo của Israel trong năm 2004 sẽ có sự quả cảm khi nhìn thẳng vào
mắt các quốc gia trên thế giới và nói không khi lợi ích quốc gia của các bạn cần
điều đó!
Thứ hai, Cơ đốc nhân trên thế giới đề nghị các bạn không từ
bỏ những biểu tượng quý giá từ các di sản thuộc linh của các bạn.
Gần đây tôi đọc bài viết của một nhà bình luận Mỹ gốc Do
Thái trên Tạp chí Phố Wall (Wall Street Journal) nói rằng Núi Đền Thờ và
"Bức tường Than khóc" là những địa danh và những hòn đá thiêng liêng
nhưng không đáng phải đổ máu.
Hãy thử suy nghĩ xem, Israel là nơi mà tổ phụ Áp-ra-ham đưa Y-sác
đến dâng làm của lễ cho Đức Chúa Trời. Nơi
được Vua Đa-vít mua lại từ A-rau-na, nơi mà thiên sứ của Đức Chúa Trời đã đứng
với lưỡi gươm trên tay. Nơi có đền thờ của
Sa-lô-môn. Nơi Chí Thánh. Nơi Chúa Giê-xu đã đi qua và giảng dạy. Là trung tâm thuộc linh của người Do Thái thờ
phượng Đức Chúa Trời có thật, tất cả những điều này không có giá trị gì và chỉ
là một đống đất đá, không đáng phải hy sinh?
Thật là một tuyên bố không thể tin nổi!
Đừng nhầm lẫn, cả thể giới này bị làm cho hỗn loại bởi các
cuộc đấu tranh tôn giáo. Cuộc chiến
không phải vì tiền hay đất đai; nó cũng không chỉ vì sự nghèo đói chống lại sự
giàu có; nó cũng không chỉ vì các tập tục hủ lậu chống lại sự hiện đại. Không, cuộc đấu tranh này là liệu Hubal, thần
Mặt trăng của Mecca, hay còn được gọi là Allah, là tối cao, hay liệu Đức Chúa
Trời - Đức Giê-hô-va trong Kinh Thánh của Cơ Đốc Giáo - Do Thái giáo mới là tối
cao?
Nếu những người được Đức Chúa Trời chọn lựa giao nộp những địa
điểm thiêng liêng nhất cho Allah kiểm soát; nếu họ giao nộp cho những kẻ Hồi
giáo phá hoại những khu mộ của Ra-chên, Giô-sép, các Tổ phụ, và các tiên tri cổ
đại; nếu họ chỉ tin vào chủ quyền của họ đối với miền Đất Thánh đến từ Công tước
Balfour của Nước Anh và Liên Hợp Quốc hơn là những lời hứa của Đức Chúa Trời
toàn năng thì, khi đó, Hồi giáo đã thắng trận.
Trên toàn thế giới Hồi giáo, thông điệp này sẽ được giao truyền:
"Allah vĩ đại hơn Giê-hô-va. Những
lời hứa của Giê-hô-va cho người Do thái không có giá trị gì. Ngày nay, chúng ta có thể trong danh Allah, đập
tan dân Do Thái và đuổi chúng ra khỏi vùng đất thuộc về Allah."
Nói tóm lại, những sáng kiến chính trị mà ai đó cho rằng sẽ
bảo đảm hòa bình sẽ, thực sự, chỉ bảo đảm được những tranh đấu không ngừng và sự
thất bại tuyệt đối. Những nhà lãnh đạo
chỉ hiểu được khía cạnh con người của sự tồn vong của Israel và những người chối
bỏ khía cạnh thuộc linh sẽ nhận ra rằng mình đang nhận lấy nồi súp đậu của
Ê-sau chứ không phải quyền thừa kế của Gia-cốp.
Trong Ngày Giáng Sinh năm 1974, tôi đã có dịp phỏng vấn Thủ
tướng Yitzhak Rabin cho chương trình truyền hình của tôi, The 700 Club. Rabin than phiền
về việc sau các chiến thắng của quân đội Israel, quốc gia này bị ngăn cản việc
đạt được hòa ước.
Đó là 30 năm về trước, Israel dường như bị cô lập và cô đơn
như ngày nay. Sau khi kết thúc buổi phỏng
vấn, tôi hỏi Thủ tướng Rabin câu hỏi cuối cùng: "Ông muốn Hoa Kỳ làm điều
gì cho Israel bây giờ?"
Ông ấy trả lời ngay lập tức.
"Hãy mạnh mẽ lên! Hãy mạnh mẽ
lên!"
Tối hôm đó, tôi dự bữa tối với một nhóm vài trăm người đã
cùng tôi đến từ Hoa Kỳ. Chúng tôi gặp
trong một phòng ăn lớn ở Khách sạn InterContinental trên Đồi Ô-liu tại
Giê-ru-sa-lem, từ sàn tới trần có một góc nhìn tuyệt diệu về phía Núi Đền Thờ
đã được thắp sáng. Khi tôi chia sẻ lại với
nhóm về nội dung buổi họp báo, tôi dần nhớ lại nỗi buồn của ngài thủ tướng, cảm
giác quốc gia bị cô lập. Tối hôm đó, tôi
đã lập một lời thề với Đức Chúa Trời rằng, cho dù điều gì có xảy ra trong tương
lai, tôi và tất cả những tổ chức do tôi lãnh đạo sẽ đứng vững ủng hộ Israel và
người Do Thái. Tôi lấy làm tự hào tuyên bố
rằng tôi vẫn giữ lời hứa đó kể từ năm 1974.
Để kết lại, tôi muốn gửi đến Israel của năm 2004 một thông
điệp mà Yitzhak Rabin đã gửi đến Hoa Kỳ vào Ngày Giáng Sinh năm 1974, vì các bạn
là những nhân chứng sống rằng các lời hứa của Đức Chúa Trời Tối cao là có thật:
"Hãy mạnh mẽ lên! Hãy mạnh mẽ
lên!"
Ngài sẽ ở cùng các bạn và những người bạn truyền giáo cũng sẽ
ở cùng các bạn. Cám ơn, và nguyện Chúa
ban phước trên các bạn!
--------------------
Tiến sỹ, mục sư Pat Robertson |
Tiến sỹ, mục sư M.G. "Pat" Robertson thành lập đài
truyền hình cơ đốc đầu tiên trên thế giới, Christian Broadcasting Networks
(CBN), khi phát sóng lần đầu ngày 1 tháng 10 năm 1961. Từ số vốn đầu tư ban đầu $70, ngày nay CBN là
đài truyền hình phủ sóng trên toàn cầu qua, truyền hình cáp, vệ tinh và mạng
internet đến hàng triệu khán giả trên toàn thế giới. Năm 1978, Pat Robertson thành lập trường Đại học Regent tại thành phố Virginia Beach, bang Virginia, Hoa Kỳ. Năm 1990, Pat Robertson cũng thành lập công
ty luật American Center for Law & Justice (ACLJ) tại Washington, D.C. với mục
đích bảo vệ các giá trị của Hiến pháp Hoa Kỳ.
[1]
Ngày 25 tháng Kislev theo lịch Do Thái, vì vậy, ngày chính xác theo dương lịch
sẽ thay đổi theo từng năm
[2]
Bài diễn thuyết tại Hội Thảo Herzliya, Trường Lauder về Chính phủ, Chính trị và Chiến lược tại Israel ngày 17 tháng 12 năm 2003
[3]
Benjamin Disraeli (1804-1881) giữ chức thủ tướng Anh từ năm 1874 đến năm
1880. Cho đến 2014, Benjamin Disraeli vẫn
là thủ tướng Anh duy nhất mang dòng máu Do Thái.
[4]
Sáng thế ký 32:28 theo bản dịch King James
[5]
Eliezer Ben-Yehuda (1858-1922) được người Israel ngày nay coi như cha đẻ của
nhà nước Israel hiện đại
[6]
Các sách luật pháp của người Do Thái, bao gồm năm sách của Môi-se