Xin được đăng tải lại bài viết đã được đăng trên nội san True Light số 3 tháng 11 năm 2014.
Cuộc bầu cử thay đổi
lịch sử Hoa Kỳ
Trong đời sống chính trị Hoa Kỳ nửa đầu thế kỷ 19 trở về trước,
nô lệ là một phần tự nhiên của xã hội và không chính khách nào có tiếng nói thực
sự chống lại vấn nạn này. Chỉ đến những
năm 1850, Abraham Lincoln và đảng Cộng hòa mới bắt đầu lên tiếng về việc chấm dứt
chủ nghĩa chiếm hữu nô lệ này. Đối lập với
đảng Cộng hòa, đảng Dân chủ muốn duy trì chủ nghĩa chiếm hữu nô lệ trên toàn nước
Hoa Kỳ, và họ đang chiếm ưu thế hoàn toàn với thắng lợi vang dội trong 2 cuộc bầu cử
năm 1852 và 1856.
Cũng trong thời kỳ này, Hoa Kỳ mở rộng về phía Tây, trải dài
đến tận California và Oregon. Nhiều vùng
lãnh thổ dần được sáp nhập vào Hoa Kỳ.
Câu hỏi cho cử tri của các vùng lãnh thổ này là khi gia nhập vào liên
bang, họ muốn cho phép chiếm hữu nô lệ hay xóa bỏ chiếm hữu nô lệ. Ngã rẽ chính trị này đã dẫn đến một cuộc bầu
cử mà người đại diện cho thiểu số lại chiến thắng đa số. Abraham Lincoln và đảng Cộng hòa đã dành chiến
thắng chỉ với 39.9% số phiếu bầu. Hơn
60% cử tri Hoa Kỳ đã bầu cho ứng cử viên mà không phải là Lincoln. Thiểu số đã thắng cuộc bầu cử bằng cách
nào?
Câu trả lời chính là chia rẽ của đa số. Cho đến cuối thập niên 1850, phần lớn dân số
Hoa Kỳ vẫn đồng ý với chủ nghĩa nô lệ, đảng Dân chủ vẫn nhận được sự ủng hộ của
đa số cử tri. Tuy nhiên, sự chia rẽ bắt
đầu khi đảng Dân chủ tổ chức đại hội đảng tháng 4 năm 1860 để chọn lựa ứng cử
viên. Các đại biểu đến từ miền Bắc muốn
đưa Thượng Nghị sỹ Stephen A. Douglas ra tranh cử trong khi các đại biểu miền
Nam phản đổi quan điểm của Douglas cho phép các vùng lãnh thổ tự do chọn lựa có
cho phép chiếm hữu nô lệ hay không. Các
đại biểu miền Nam muốn đưa đương kim Phó Tổng thống John C. Breckinridge ra
tranh cử. Đại hội đảng Dân chủ thất bại
và cả Douglas và Breckinridge trở thành ứng cử viên. Ngoài ra, một số chủ đồn điền miền Nam còn
quyết định lập một đảng mới, ôn hòa hơn, Đảng Liên hiệp Hiến pháp và đưa Thượng
Nghị sỹ John Bell ra ứng cử.
Kết quả cuộc bầu cử là Lincoln dành được 39.9% số phiếu
trong khi ba ứng cử viên còn lại chia nhau 60% số phiếu bầu, trong đó, Douglas
dành được nhiều phiếu nhất với 29.5%.
Đây không phải là lần đầu tiên hay lần duy nhất mà Tổng thống
Hoa Kỳ không được bầu với đại đa số phiếu.
Nhưng nó đặc biệt ở chỗ, trong cả bốn ứng cử viên, chỉ có duy nhất
Abraham Lincoln là người muốn xóa bỏ chủ nghĩa nô lệ. Phần lớn cử tri, dù cho đồng ý với sự duy trì
chủ nghĩa nô lệ, nhưng bị giằng xé giữa ba ứng cử viên và sự chia rẽ đó đã làm
họ trả giá bằng một sự thất bại. Từ đó,
đất nước Hoa Kỳ đã hoàn toàn thay đổi và không bao giờ trở lại trạng thái như
trước!
Tâm sự cuối cùng của
Chúa Giê-xu
Khi một người phải đối diện với cái chết cận kề và người đó
tin rằng mình không thể qua khỏi, thì mọi lời người đó trăn trối sẽ được coi là
lời nói có tính xác thực và quan trọng nhất.
Trong đêm sau bữa tối cuối cùng, Chúa Giê-xu và các môn đồ cùng lên núi
và cầu nguyện. Ngài biết rằng đây sẽ là
những thời khắc ngắn ngủi còn lại của Ngài ở trên đất. Trong lời cầu nguyện của mình, Chúa Giê-xu cầu
nguyện cho sự hiệp một của các môn đồ[1] và
Ngài cũng cầu nguyện cho sự hiệp một của những người sẽ được nghe lời chứng của
các môn đồ[2],
chính là chúng ta, những Cơ đốc nhân ngày nay.
Đối với Chúa Giê-xu, điều cần thiết và quan trọng nhất trước
khi Ngài về với Đức Chúa Cha chính là sự hiệp một của toàn bộ các môn đồ và mọi
Cơ đốc nhân. Dường như sự hiệp một cũng là
việc quá sức với các Cơ đốc nhân.
Theo nghiên cứu Sơ lược về tình hình Tôn giáo Toàn cầu của
Trung tâm Nghiên cứu PEW, tính đến cuối năm 2010, Cơ đốc giáo là tôn giáo lớn
nhất với 2.2 tỷ tín đồ, chiếm đến 32% dân số trên toàn cầu. Nhưng mặt khác, theo cuốn Bách Khoa Toàn Thư
Thế Giới Cơ Đốc do Barrett, Kurian, Johnson (Nhà xuất bản Đại học Oxford, tái bản
lần 2, năm 2001), Cơ đốc giáo cũng là tôn giáo có nhiều hệ phái nhất
("denominations") với hơn 33,000 hệ phái, theo 6 nhóm lớn. Xem ra điều mà Chúa Giê-xu lo lắng quả là
không thừa.
Lẽ ra chúng ta đã phải
làm gì
Khi nói về sự khởi đầu của trường đại học Regent, nhà sáng lập
M.G. "Pat" Robertson chia sẻ hình ảnh làm ông ấn tượng nhất về sự hiệp
một lại đến từ chính những người xây tháp Ba-bên, nhân vật phản diện trong Sáng
Thế Ký. Kinh Thánh có chép rằng, khi
nhìn thấy loài người quyết tâm xây dựng tháp Ba-bên, Đức Chúa Trời phán "nếu chúng khởi sự như một dân nói cùng một
ngôn ngữ, thì sẽ chẳng có gì chúng lên kế hoạch mà chúng không làm được hết." Vì ngôn ngữ là phương tiện để chúng ta giao
tiếp với nhau, nên những con người xây tháp Ba-bên đã giao tiếp với nhau một
cách hoàn hảo và công việc của họ cứ được tiến hành đều đặn cho đến khi Chúa
làm cho họ bất đồng với nhau. Khi sự bất
đồng nảy sinh, mỗi người đi về một hướng và công việc bị bỏ dở.
Từ bài học đó, chúng ta có thể thấy được chìa khóa của việc
hiệp một chính là học cách trở thành một dân nói cùng một ngôn ngữ. Sự cứu chuộc
trong Chúa Giê-xu đã đưa chúng ta trở thành con dân của nước trời, và,
nhờ ân điển của Ngài, chúng ta có thể học cách nói cùng một ngôn ngữ.
Thứ nhất, sự bất đồng trong giao tiếp làm cho chúng ta chia
rẽ. Cách khắc phục cơ bản nhất là chúng
ta phải có cái nhìn đúng về vị trí của mình trong thân thể Đấng Christ và vai
trò của những anh em khác. Trong thư gửi
cho hội thánh thành Phi-líp, Phao-lô dặn rằng chúng ta không được làm gì mà xuất
phát từ lòng ích kỷ và tự phụ, ngược lại, phải khiêm nhường, tôn trọng người
khác hơn mình[3]. Cách nhanh nhất dẫn đến sự bất đồng chính là
coi mình cao trọng hơn người khác. Điều
đó, giống như trong giao tiếp, ta chỉ có nói chứ không có nghe người đối diện. Nếu không có sự khiêm nhường, tôn trọng người
khác thì chúng ta sẽ không thể giao tiếp với nhau để hóa giải những khác biệt
được.
Thứ hai, chúng ta phải tập tành tìm cách giải quyết bất đồng
bằng hòa giải. Khi tranh tụng, sẽ có một
bên được và một bên mất bất kể bên nào đúng, bên nào sai. Điều đó đi ngược lại với tinh thần gây dựng
cho thân thể của đấng Christ theo nguyên tắc do Đấng Christ thiết lập tại
Ma-thi-ơ 18:15-20 và Phao-lô khẳng định lại trong I Cô-rinh-tô 6:1-11. Mục đích của hòa giải là tìm cách chia sẻ thiệt
hại giữa các bên liên quan và hàn gắn lại rạn nứt trong mối quan hệ chứ không
phải để phân định thiệt hơn. Chính Chúa
Giê-xu đã làm hoàn hảo vai trò hòa giải để đưa con người về với Đức Chúa Trời.
Cuối cùng, chúng ta hãy tập tành việc phó sự sống mình vì bạn
hữu[4]. Để hiểu rõ hơn sự hy sinh này, xin hãy xem
câu chuyện dưới đây.
Một buổi chiều nọ,
Carolyn Savage được bác sỹ báo tin vui là kết quả thụ tinh trong ống nghiệm của
cô đã thành công, nhưng bệnh viện đã mắc sai lầm và cấy vào Carolyn phôi thai của
một cặp vợ chồng khác. Carolyn và Sean,
chồng cô, vừa vui mừng, vừa hoang mang về đứa trẻ sẽ ra đời. Mặc dù gia đình Savage muốn giữ lại đứa trẻ
vì Carolyn đã phải mang nặng đẻ đau, và họ có thể kiện để đòi quyền nuôi đứa trẻ,
đồng thời kiện cơ sở y tế đã mắc sai lầm.
Nhưng họ đã không làm như vậy. Một
ngày kia, gia đình Morrell cũng rụng rời khi nghe tin rằng đứa trẻ mang theo
DNA của mình sẽ được người phụ nữ khác mang thai, và có khả năng trở thành con
của gia đình đó. Cuối cùng, thay vì chọn
lựa phương án tranh tụng đến cùng, gia đình Savage đã quyết định làm điều không
tưởng, đó là trao lại đứa bé cho gia đình Morrell. Trong buổi trả lời phỏng vấn của CNN, Carolyn
Savage đã nói rằng niềm tin của hai vợ chồng họ đã thôi thúc họ trả lại đứa bé
mà cô đã gắn bó suốt thời kỳ mang thai.
Gia đình Morrell cũng hoàn toàn ngỡ ngàng vì họ đã từng nghĩ rằng không
bao giờ được gặp lại đứa bé mang DNA của mình.
Gia đình Savage đã thực sự cho thế giới thấy tình yêu lớn nhất
chính là đặt nhu cầu của người khác lên trên nhu cầu của mình, đó chính là sự
hy sinh lớn lao mà Chúa Giê-xu nói. Một
cặp vợ chồng sau bao nhiêu khó khăn trong việc sinh nở, sẵn sàng cho đi đứa con
mà mình sinh ra vì họ tin rằng điều đó sẽ là tốt hơn cho cặp vợ chồng kia và đứa
bé.
Khi có tình yêu thương của Đấng Christ, chúng ta sẽ biết hạ
mình xuống và tôn trọng anh chị em mình, có thể hòa giải mọi bất đồng và hơn hết
là từ bỏ chính mình vì người khác. Chúng
ta đã là một dân, và tình yêu thương chính là ngôn ngữ chung của mọi Cơ đốc
nhân để làm thành mọi việc được giao phó.
Từ những con người muốn chống nghịch lại Chúa bằng cách xây
dựng tháp Ba-bên cho đến những chính trị gia muốn duy trì chủ nghĩa nô lệ, chỉ
cần họ hiệp một được với nhau, xóa đi mọi sự khác biệt, thì họ đã có thể đạt được
điều họ muốn, kể cả khi điều đó có là xấu!
Với gần 1/3 thế giới là Cơ đốc nhân, những người sống có chung mục đích,
chỉ cần chúng ta có thể hiệp một lại với nhau bằng ngôn ngữ của tình yêu thương
thì thế giới này chắc sẽ tốt đẹp hơn biết bao.
[1] Giăng 17:11 "Lạy Cha thánh, xin Cha bảo vệ họ, những người Cha ban
cho Con, trong danh Cha, để họ hiệp một như Chúng Ta là một."
[2] Giăng 17:20-21 "Con không chỉ cầu xin cho họ, nhưng cũng cho những
ai nghe lời họ mà tin Con, để tất cả họ có thể hiệp một, như Cha ở trong
Con và Con ở trong Cha"
[3]
Phi-líp 2:3 " Đừng làm điều gì do lòng ích kỷ và tự phụ. Trái lại phải
khiêm nhường, tôn trọng người khác hơn mình"
[4]
Giăng 15:13 "Chẳng có sự yêu thương nào lớn hơn là vì bạn hữu mà phó sự sống
mình."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét