Thứ Bảy, 15 tháng 11, 2014

Tại sao Cơ đốc nhân truyền giáo ủng hộ Israel

Một tháng nữa, ngày 17 tháng 12[1], là lễ Chanukkah hay Hanukkah, có lẽ là ngày lễ nổi tiếng nhất của người Do Thái tại các quốc gia Bắc Mỹ và Tây Âu.  Sự nổi tiếng và quen thuộc của ngày lễ này với những người ngoài cộng đồng Do Thái không phải vì tầm quan trọng về ý nghĩa tôn giáo của nó nhưng vì việc nó thường được tổ chức trong dịp Cơ đốc nhân kỷ niệm Lễ Giáng Sinh.  Có lẽ đây cũng là dịp tiện để chia sẻ với các bạn bài diễn thuyết của Tiến sỹ, mục sư M. G. "Pat" Robertson trước các lãnh đạo nhà nước Israel với chủ đề "Tại sao Cơ đốc nhân Truyền giáo ủng hộ Israel"[2]

Ngôi sao Đa-vít, biểu tượng trên lá cờ tổ quốc của nhà nước Israel

Một ngày cuối thế kỷ 19, Nữ hoàng Victoria của Nước Anh hỏi thủ tướng Anh lúc đó, Benjamin Disraeli[3] rằng: "Theo ông, có chứng cứ nào để chứng minh sự tồn tại của Đức Chúa Trời?"

Disraeli nghĩ một lát và trả lời: "Dân Do Thái, thưa nữ hoàng."

Khi suy ngẫm lại, theo Disraeli, chứng cứ cơ bản về sự tồn tại của Đức Chúa Trời chính là sự tồn tại của người Do Thái ... một dân tộc mà năm 586 Tr.C, đã bị đưa đi lưu đày ở Ba-by-lon, nhưng được đưa về sau 70 năm để tái thiết lại đất nước.  Họ lại bị thảm sát một cách tàn khốc và làm cho tan lạc bởi người La Mã năm 70 S.C, nhưng sau hơn chục thế kỷ bị tản lạc, bị trục xuất, bị tàn sát bởi Nga hoàng, Đức Quốc Xã, và bao nhiều các âm mưu diệt chủng khác, họ vẫn giữ vững đức tin, truyền thống - và ngày nay, sau 2,500 năm lưu lạc, đã trở về miền đất được Đức Chúa Trời hứa ban cho tổ phụ của họ.  Một quốc gia mới bắt đầu trên mảnh đất này năm 1948 được đặt theo tên của Gia-cốp, tổ phụ của họ, người mà được Đức Chúa Trời đặt tên lại là I-sơ-ra-ên (Israel), nghĩa là "Hoàng tử của Đức Chúa Trời[4]."  Để làm ứng nghiệm những lời tiên tri cổ đại, Đức Chúa Trời đã cảm động lòng của Eliezer Ben-Yehuda[5], được con trai Ehud của ông thuật lại với tôi rằng, khi cha ông còn sống ở Đông Âu, ông nghe tiếng phán và nhìn thấy ánh sáng hướng dẫn ông mang lại cho người Do Thái một ngôn ngữ thuần khiết, tiếng Hê-bơ-rơ, ngôn ngữ của Torah[6] và các tiên tri cổ đại. 

Đúng vậy, sự tồn vong của người Do Thái là phép lạ của Đức Chúa Trời.  Việc người Do Thái quay về miền đất được hứa ban cho Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp là phép lạ của Đức Chúa Trời.  Các chiến thắng ấn tượng của quân đội Do Thái trước mọi kẻ thù trong các cuộc chiến tranh năm 1948, 1967 và 1973 rõ ràng là phép lạ của Đức Chúa Trời.  Những thành quả công nghệ kỳ diệu của nền công nghiệp Israel, sức mạnh quân sự, sự phồn thịnh của nền nông nghiệp Israel, hoa trái và sự tươi tốt của mảnh đất này là lời chứng về sự quan tâm, săn sóc của Đức Chúa Trời đối với quốc gia mới này và sự khôn ngoan trời phú của những con người này.  Nhưng những gì đang xảy ra đều đã được báo trước bởi lời của tiên tri Ê-xê-chi-ên với người Do Thái trong thời kỳ bị lưu đày ở Ba-by-lon: 

               "Ta sẽ đưa các ngươi ra khỏi các dân; Ta sẽ nhóm họp các ngươi về từ mọi nước và Ta sẽ đem các ngươi trở về đất nước của các ngươi. ...  Ta sẽ ban cho các ngươi một tấm lòng mới và đặt một tâm linh mới trong các ngươi... khiến các ngươi vâng theo các luật lệ Ta và cẩn thận vâng giữ các mạng lệnh Ta.  Các ngươi sẽ được sống trong đất Ta đã ban cho tổ phụ các ngươi, rồi các ngươi sẽ làm dân Ta và Ta sẽ làm Đức Chúa Trời của các ngươi.  Ta sẽ cứu các ngươi ra khỏi mọi sự ô uế của các ngươi. 
               "Ta sẽ truyền cho ngũ cốc để chúng gia tăng sản lượng... Ta sẽ làm cho cây ăn quả của các ngươi sai trái và ruộng rẫy của các ngươi luôn được mùa, để các ngươi không bao giờ bị khổ nhục vì nạn đói trước mặt các dân nữa. ...  CHÚA Hằng Hữu phán, "Trong ngày Ta sẽ tẩy sạch khỏi các ngươi mọi tội lỗi của các ngươi, Ta sẽ làm cho các thành phố của các ngươi có người ở, những nơi đổ nát sẽ được xây dựng lại.  Những đất đai bị bỏ hoang sẽ được cày cấy, thay vì cứ bị bỏ hoang trước mắt những kẻ qua lại.  Họ sẽ nói "Đất này lâu nay bị bỏ hoang, mà bây giờ đã trở nên như cảnh vườn Ê-đen; những thành vốn điêu tàn, hoang vắng, và đổ nát, bây giờ có đông người ở và trở nên hùng cường.""
               Khi ấy các dân còn sót lại đang sống chung quanh các ngươi sẽ biết rằng Ta, CHÚA, đã xây dựng lại những nơi đổ nát và trồng trọt lại những ruộng đất đã bị bỏ hoang.  Ta, CHÚA, đã phán như thế, và Ta sẽ làm như thế." (Ê-xê-chi-ên 36:24-36).

Cơ đốc nhân truyền giáo ủng hộ Israel vì chúng ta tin tin rằng những lời của Môi-se và các tiên tri cổ đại được Đức Chúa Trời truyền cảm hứng.  Chúng ta tin vào việc hình thành nhà nước Israel trên miền đất đã được Đức Chúa Trời hứa cho Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp, và được Đức Chúa Trời xức dầu.  Chúng ta tin rằng Đức Chúa Trời có kế hoạch dùng đất nước này là nguồn phước cho các nước trên khắp cả thế giới. 

Tất nhiên, chúng ta, cũng như mọi người có tri thức, ủng hộ Israel vì Israel là ốc đảo dân chủ, ốc đảo tự do cá nhân, ốc đảo về sự tôn trọng luật pháp, và một ốc đảo về sự hiện đại trong một biển các chế độ độc tài, sự đàn áp tự do cá nhân, và ý chí tôn giáo muốn quay trở lại xã hội phong kiến Ả-rập thế kỷ 8. 

Những thực tế về đất nước Israel hiện đại đều là sự thật.  Nhưng chỉ những phát biểu chính trị không thôi là chưa đủ để thể hiện hết những nhiệt huyết dành cho Israel ở trong lòng của hàng trăm triệu Cơ đốc nhân truyền giáo. 

Quý vị phải nhận ra rằng Đức Chúa Trời, đấng đã phán với Môi-se trên núi Sinai là Đức Chúa Trời của chúng ta.  Áp-ra-ham, Y-sác, và Gia cốp là các Tổ phụ thuộc linh của chúng ta.  Giê-rê-mi, Ê-xê-chi-ên, và Đa-ni-ên là những vị tiên tri của chúng ta.  Vua Đa-vít, người vừa lòng Chúa, là anh hùng của chúng ta.  Giê-ru-sa-lem thánh là thủ đô thuộc linh của chúng ta.  Việc người Do Thái tiếp tục duy trì chủ quyền trên miền Đất Thánh là bằng chứng cho chúng ta về việc Đức Chúa Trời của Kinh Thánh thực sự tồn tại và Lời Ngài là lẽ thật. 

Và chúng ta lưu ý rằng Cơ đốc nhân truyền giáo ngày nay đang hầu việc một người Do Thái mà chúng ta tin rằng Ngài chính là Đấng Mê-si của Israel được các tiên tri cổ đại nhắc đến, và Ngài cũng giao nhiệm vụ truyền giao sứ mạng cứu rỗi đến thế giới qua mười hai môn đồ người Do Thái. 

Chúng ta biết rằng Cơ đốc giáo ngày nay với hơn 2 tỷ tín đồ, là tôn giáo phát triển nhanh nhất thế giới.  Chỉ trong vòng 20 năm nữa, con số này sẽ tăng lên 3 tỷ.  Trong số đó, ít nhất 600 triệu là những Cơ đốc nhân truyền giáo và đầy rẫy thuộc linh, tin vào Kinh Thánh, và ủng hộ nhà nước Israel.  Trong 20 năm nữa, con số này sẽ tăng lên 1 tỷ.  Israel có hàng triệu người bạn Cơ đốc nhân ở Trung Quốc, Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a, trên khắp Châu Phi và Nam Mỹ, cũng như Bắc Mỹ. 

Chúng tôi sát cánh trong cuộc đấu tranh của các bạn.  Chúng tôi ở cùng các bạn khi ngọn sóng bài trừ Do Thái đang dâng lên trên toàn thế giới.  Chúng tôi ở cùng các bạn bất kể mối đe dọa của nhóm Thánh chiến Wahabi, nhóm khủng bố Hezbollah, và những kẻ ám sát Hamas.  Chúng tôi sát cánh với các bạn bất chấp các lệnh cấm vận dầu mỏ, mất đồng minh, và các vụ tấn công khủng bố trên các thành phố của các bạn. 

Chúng tôi, những Cơ đốc nhân truyền giáo nói với những người bạn Israel rằng "Hãy để chúng tôi cùng hầu việc Đức Chúa Trời của chúng ta bằng cách chống lại nọc độc của chủ nghĩa bài Do Thái và bài Si-ôn đang dâng trào trên toàn thế giới."  Sau khi khẳng định cam kết ủng hộ của mình, tôi muốn đề đạt hai vấn đề với những người bạn Do Thái:

Thứ nhất, xin đừng tự phá hủy quốc gia mình.  Nếu các bạn chủ đích phá hủy quốc gia mình, thì sẽ rất khó cho những người bạn như chúng tôi ủng hộ các bạn. 

Chắc tôi không cần phải nhắc lại cho các khán giả tại đây mục đích của Yasser Arafat, PLO, Hamas, Hezbollah và nhóm Thánh chiến Hồi giáo.  Mục tiêu của họ không phải là hòa bình, nhưng là sự hủy diệt hoàn toàn của Nhà nước Israel.  Chưa bao giờ họ và các đồng minh của họ trong thế giới Hồi giáo công nhận quyền tự chủ của Israel đối với bất kỳ tấc lãnh thổ nào ở Trung Đông.  Nếu một nhà nước Palestine được hình thành trong lòng Israel với quyền tự chủ để thành lập quân đội, nhập vũ khí hiện đại, thậm chí cả những vũ khí hủy diệt hàng loạt, và được hoạt động hoàn toàn bí mật và có quyền miễn trừ ngoại giao, khả năng phòng vệ của Nhà nước Israel sẽ bị giảm sút nghiêm trọng. 

Thông điệp "đổi đất lấy hòa bình" là một ảo tưởng viển vông. Vùng Sinai đã bị mất.  Nó có đem lại hòa bình vĩnh viễn không?  Không.  Miền Nam Liban đã mất.  Nó có đem lại hòa bĩnh vĩnh viễn không?  Không.  Mặt khác, Hezbollah đưa xe tăng tới biên giới Israel và hô hào "Vào Giê-ru-sa-lem!"  Ngày nay, có đến 10,000 tên lửa đã bắn vào Metulla, Qiryat, Shemona, và toàn miền bắc Israel xuất phát từ lãnh thổ Miền Nam Liban.  Arafat được trưởng dưỡng bởi người đã thề sẽ hoàn tất công việc của Adolf Hitler.  Làm sao để một người theo chủ nghĩa hiện thực có thể tin rằng kẻ sát nhân này và các cộng sự của hắn có thể trở thành đồng minh hòa bình được? 

Tôi hiểu sâu thẳm trong tim nhiều người Israel muốn hòa bình, muốn được tự do khỏi những nỗi sợ khủng bố của những kẻ đánh bom cảm tử.  Tôi muốn lưu ý các bạn về sự kiện trong Chiến tranh Lạnh, người dân Hoa Kỳ cũng muốn được tự do khỏi nỗi ám ảnh hủy diệt hạt nhân.  Khi đó, tại Reykjavik, Ai-xơ-len, trong một cuộc hội đàm giữa Tổng thống Ronald Reagan của Hoa Kỳ và Chủ tịch Mikhail Gorbachev của Liên Xô, một cơ hội tuyệt vời cho hòa bình được cả Tổng thống Reagan và Gorbachev xem xét.  Lời đề xuất về việc cắt giảm vũ khí hạt nhân không tưởng được đưa ra.  Lời đề xuất của Gorbachev bao gồm tất cả mọi điều khoản mà phái đoàn đàm phán về vũ khí của Hoa Kỳ muốn, ngoại trừ một điều khoản.  Điều kiện của phía Liên Xô là Hoa Kỳ phải từ bỏ Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược, hay còn gọi là "chiến tranh giữa các vì sao".  

Tổng thống Reagan xem xét một cách cẩn thận lời đề xuất và thẳng thừng từ chối.  Nếu không có Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược, sẽ không đạt được thỏa thuận.  Gorbachev sững sờ.  Cả hai nhà lãnh đạo, với nỗi buồn trong lòng, kết thúc cuộc hội đàm và rời Reykjavik.  Một lần nữa, thế giới đối mặt với nguy cơ hủy diệt hạt nhân.  Các báo chí tự do Mỹ chỉ trích quyết định của Reagan.  Nhưng, ông ấy giữ vững quan điểm. 

Ngày nay, chúng ta đều biết rằng ông ấy đã đúng.  Người Nga không thể cạnh tranh được với Hoa Kỳ trong cuộc chạy đua vũ trang và Gorbachev đã biết điều đó.  Khi sự hăm dọa kết thúc, mối hiểm họa cũng qua, Reagan đã thắng lợi bằng việc đứng vững.  Không lâu sau, sự tự do bùng nổ ở Ba Lan, Hung-ga-ri, và Đông Đức.  Bức tường Béc-lin sụp đổ.  Những hàng rào thép gai bị dỡ bỏ. 

Thế giới được bảo vệ khỏi nỗi sợ hạt nhân.  Nỗi sợ này không còn nữa khi một người lãnh đạo mạnh mẽ đứng vững, bất chấp ý kiến của công chúng, ngược lại với lời khuyên của rất nhiều cố vấn và nói không!  Mong rằng các nhà lãnh đạo của Israel trong năm 2004 sẽ có sự quả cảm khi nhìn thẳng vào mắt các quốc gia trên thế giới và nói không khi lợi ích quốc gia của các bạn cần điều đó! 

Thứ hai, Cơ đốc nhân trên thế giới đề nghị các bạn không từ bỏ những biểu tượng quý giá từ các di sản thuộc linh của các bạn. 

Gần đây tôi đọc bài viết của một nhà bình luận Mỹ gốc Do Thái trên Tạp chí Phố Wall (Wall Street Journal) nói rằng Núi Đền Thờ và "Bức tường Than khóc" là những địa danh và những hòn đá thiêng liêng nhưng không đáng phải đổ máu. 

Hãy thử suy nghĩ xem, Israel là nơi mà tổ phụ Áp-ra-ham đưa Y-sác đến dâng làm của lễ cho Đức Chúa Trời.  Nơi được Vua Đa-vít mua lại từ A-rau-na, nơi mà thiên sứ của Đức Chúa Trời đã đứng với lưỡi gươm trên tay.  Nơi có đền thờ của Sa-lô-môn.  Nơi Chí Thánh.  Nơi Chúa Giê-xu đã đi qua và giảng dạy.  Là trung tâm thuộc linh của người Do Thái thờ phượng Đức Chúa Trời có thật, tất cả những điều này không có giá trị gì và chỉ là một đống đất đá, không đáng phải hy sinh?  Thật là một tuyên bố không thể tin nổi! 

Đừng nhầm lẫn, cả thể giới này bị làm cho hỗn loại bởi các cuộc đấu tranh tôn giáo.  Cuộc chiến không phải vì tiền hay đất đai; nó cũng không chỉ vì sự nghèo đói chống lại sự giàu có; nó cũng không chỉ vì các tập tục hủ lậu chống lại sự hiện đại.  Không, cuộc đấu tranh này là liệu Hubal, thần Mặt trăng của Mecca, hay còn được gọi là Allah, là tối cao, hay liệu Đức Chúa Trời - Đức Giê-hô-va trong Kinh Thánh của Cơ Đốc Giáo - Do Thái giáo mới là tối cao?  

Nếu những người được Đức Chúa Trời chọn lựa giao nộp những địa điểm thiêng liêng nhất cho Allah kiểm soát; nếu họ giao nộp cho những kẻ Hồi giáo phá hoại những khu mộ của Ra-chên, Giô-sép, các Tổ phụ, và các tiên tri cổ đại; nếu họ chỉ tin vào chủ quyền của họ đối với miền Đất Thánh đến từ Công tước Balfour của Nước Anh và Liên Hợp Quốc hơn là những lời hứa của Đức Chúa Trời toàn năng thì, khi đó, Hồi giáo đã thắng trận.  Trên toàn thế giới Hồi giáo, thông điệp này sẽ được giao truyền: "Allah vĩ đại hơn Giê-hô-va.  Những lời hứa của Giê-hô-va cho người Do thái không có giá trị gì.  Ngày nay, chúng ta có thể trong danh Allah, đập tan dân Do Thái và đuổi chúng ra khỏi vùng đất thuộc về Allah." 

Nói tóm lại, những sáng kiến chính trị mà ai đó cho rằng sẽ bảo đảm hòa bình sẽ, thực sự, chỉ bảo đảm được những tranh đấu không ngừng và sự thất bại tuyệt đối.  Những nhà lãnh đạo chỉ hiểu được khía cạnh con người của sự tồn vong của Israel và những người chối bỏ khía cạnh thuộc linh sẽ nhận ra rằng mình đang nhận lấy nồi súp đậu của Ê-sau chứ không phải quyền thừa kế của Gia-cốp. 

Trong Ngày Giáng Sinh năm 1974, tôi đã có dịp phỏng vấn Thủ tướng Yitzhak Rabin cho chương trình truyền hình của tôi, The 700 Club.  Rabin than phiền về việc sau các chiến thắng của quân đội Israel, quốc gia này bị ngăn cản việc đạt được hòa ước. 

Đó là 30 năm về trước, Israel dường như bị cô lập và cô đơn như ngày nay.  Sau khi kết thúc buổi phỏng vấn, tôi hỏi Thủ tướng Rabin câu hỏi cuối cùng: "Ông muốn Hoa Kỳ làm điều gì cho Israel bây giờ?" 

Ông ấy trả lời ngay lập tức.  "Hãy mạnh mẽ lên!  Hãy mạnh mẽ lên!" 

Tối hôm đó, tôi dự bữa tối với một nhóm vài trăm người đã cùng tôi đến từ Hoa Kỳ.  Chúng tôi gặp trong một phòng ăn lớn ở Khách sạn InterContinental trên Đồi Ô-liu tại Giê-ru-sa-lem, từ sàn tới trần có một góc nhìn tuyệt diệu về phía Núi Đền Thờ đã được thắp sáng.  Khi tôi chia sẻ lại với nhóm về nội dung buổi họp báo, tôi dần nhớ lại nỗi buồn của ngài thủ tướng, cảm giác quốc gia bị cô lập.  Tối hôm đó, tôi đã lập một lời thề với Đức Chúa Trời rằng, cho dù điều gì có xảy ra trong tương lai, tôi và tất cả những tổ chức do tôi lãnh đạo sẽ đứng vững ủng hộ Israel và người Do Thái.  Tôi lấy làm tự hào tuyên bố rằng tôi vẫn giữ lời hứa đó kể từ năm 1974. 

Để kết lại, tôi muốn gửi đến Israel của năm 2004 một thông điệp mà Yitzhak Rabin đã gửi đến Hoa Kỳ vào Ngày Giáng Sinh năm 1974, vì các bạn là những nhân chứng sống rằng các lời hứa của Đức Chúa Trời Tối cao là có thật: "Hãy mạnh mẽ lên!  Hãy mạnh mẽ lên!" 

Ngài sẽ ở cùng các bạn và những người bạn truyền giáo cũng sẽ ở cùng các bạn.  Cám ơn, và nguyện Chúa ban phước trên các bạn! 
--------------------
Tiến sỹ, mục sư Pat Robertson

Tiến sỹ, mục sư M.G. "Pat" Robertson thành lập đài truyền hình cơ đốc đầu tiên trên thế giới, Christian Broadcasting Networks (CBN), khi phát sóng lần đầu ngày 1 tháng 10 năm 1961.  Từ số vốn đầu tư ban đầu $70, ngày nay CBN là đài truyền hình phủ sóng trên toàn cầu qua, truyền hình cáp, vệ tinh và mạng internet đến hàng triệu khán giả trên toàn thế giới.  Năm 1978, Pat Robertson thành lập trường Đại học Regent tại thành phố Virginia Beach, bang Virginia, Hoa Kỳ.  Năm 1990, Pat Robertson cũng thành lập công ty luật American Center for Law & Justice (ACLJ) tại Washington, D.C. với mục đích bảo vệ các giá trị của Hiến pháp Hoa Kỳ. 




[1] Ngày 25 tháng Kislev theo lịch Do Thái, vì vậy, ngày chính xác theo dương lịch sẽ thay đổi theo từng năm
[2] Bài diễn thuyết tại Hội Thảo Herzliya, Trường Lauder về Chính phủ, Chính trị và Chiến lược tại Israel ngày 17 tháng 12 năm 2003
[3] Benjamin Disraeli (1804-1881) giữ chức thủ tướng Anh từ năm 1874 đến năm 1880.  Cho đến 2014, Benjamin Disraeli vẫn là thủ tướng Anh duy nhất mang dòng máu Do Thái.  
[4] Sáng thế ký 32:28 theo bản dịch King James
[5] Eliezer Ben-Yehuda (1858-1922) được người Israel ngày nay coi như cha đẻ của nhà nước Israel hiện đại 
[6] Các sách luật pháp của người Do Thái, bao gồm năm sách của Môi-se

Thứ Ba, 11 tháng 11, 2014

Phiên tòa Thứ Sáu Tốt Lành


Hôm nay, ngày Chúa Nhật Cọ (Palm Sunday) ngày đầu tiên của Tuần Lễ Thánh (Holy Week) đánh dấu thời điểm Chúa Giê-xu tiến vào thành Giê-ru-sa-lem dưới sự tiếp rước trọng thị của người dân Do Thái.  Nếu bạn có mặt trong đám đông tiếp rước Chúa Giê-xu ngày Chúa Nhật Cọ, rất khó có thể hình dung chính những con người này, chỉ vài ngày sau, lại quay lưng lại đòi đóng đinh Chúa Giê-xu. 

Các sách phúc âm dành phần lớn thời lượng để thuật lại diễn biến của Tuần Lễ Thánh này vì mức độ quan trọng của nó.  Trong Tuần Lễ Thánh có một sự kiện được thuật lại khá chi tiết đó là diễn biến trong đêm Chúa Giê-xu bị bắt, xét xử, đóng đinh và chết.  Toàn bộ diễn biến từ lúc Chúa Giê-xu dùng bữa tối cuối cùng với các môn đồ, Ngài vào cầu nguyện trong vườn Ghết-sê-ma-nê, bị lính của lãnh đạo tôn giáo Do Thái bắt, giải đến trước mặt các lãnh đạo tôn giáo Do Thái, bị chuyển đến quan tổng đốc La Mã, bị đánh, vác thập tự giá lên đồi Gô-gô-tha, đóng đinh và chết được thuật lại chi tiết trong cả bốn sách phúc âm và khớp nhau đến kỳ lạ! 

Thời điểm mà Chúa Giê-xu trút hơi thở trên thập tự giá được các nhà nghiên cứu lịch sử và khảo cổ cho rằng là khoảng 3 giờ chiều Thứ Sáu, mà ngày nay ta quen gọi là Thứ Sáu Tốt Lành (Good Friday).  Ngày kỷ niệm cái chết của một người thì có gì mà "tốt lành"?  Có những đặc điểm bất thường về phiên tòa xét xử Chúa Giê-xu mà chúng ta nhìn thấy được sự tốt lành của Đức Chúa Trời cho chúng ta. 
Sau khi thất bại trong việc cố gắng kết tội Chúa Giê-xu theo luật pháp tôn giáo, các lãnh đạo tôn giáo tìm cách chuyển hướng vụ việc này sang án hình sự.  Ở phiên xét xử tại dinh tổng đốc La Mã, kết quả cũng không khả quan hơn cho các lãnh đạo tôn giáo so với phiên xét xử về tôn giáo. 

Những nhân chứng được gọi đến cả hai phiên xét xử thậm chí đều vi phạm quy định về giá trị của lời khai, theo cả tiêu chuẩn của luật pháp Do Thái và luật pháp La Mã.  Luật pháp Do Thái yêu cầu một lời chứng hợp lệ khi có hai nhân chứng cùng xác nhận một sự việc và sự xác nhận của các nhân chứng phải trùng khớp, tuy nhiên dù có rất nhiều nhân chứng nhưng lời khai của họ tự mâu thuẫn[1].  Theo luật pháp La Mã cổ, người cáo buộc có nghĩa vụ phải chứng minh một cách thuyết phục rằng người bị kết tội đã vi phạm luật pháp[2], nhưng các bằng chứng mà lãnh đạo tôn giáo đưa ra trước mặt Phi-lát không đủ thuyết phục và chính hành động rửa tay của Phi-lát là lời tuyên bố rằng Chúa Giê-xu là vô tội. 

Việc kết án một người hoàn toàn vô tội theo cả luật pháp Do Thái và luật pháp La Mã chính là tin mừng, tin tốt lành của Thứ Sáu Tốt Lành!  Chúa Giê-xu, mặc dù vô tội, nhưng Ngài nhận lấy cái chết để chuộc lấy tội lỗi cho chúng ta.  Một phiên tòa hoàn toàn vi phạm các thủ tục tố tụng được Đức Chúa Trời cho phép xảy ra để làm hoàn thành kế hoạch lớn lao của Ngài.  Chúa Giê-xu không phải chết dưới tay các lãnh đạo Do Thái, hay quân đội La Mã, Chúa chết vì chính tội lỗi của tôi và bạn.  Khi làm phim Sự Khổ Nạn của Chúa Cứu Thế, nhà làm phim, đạo diễn Mel Gibson đã dùng chính cánh tay của mình cầm cây đinh và búa để đóng vào tay Chúa để tuyên bố rằng chính mỗi cá nhân chúng ta là lý do Ngài chết! 




[1] Mác 14:57-59
[2] Ei incumbit probatio qui dicit, non qui negat: Nghĩa vụ chứng minh phạm tội thuộc về người cáo buộc, không phải nghĩa vụ của người bị cáo buộc.   

Chủ Nhật, 9 tháng 11, 2014

Mục đích cuộc đời

TGIF - Today God is First[1] - Os Hillman

"Chúa phán 'Vì Ta biết rõ các chương trình Ta sẽ làm cho các ngươi, đó là các chương trình làm cho các ngươi được bình an thịnh vượng chứ không phải bị tổn hại, hầu ban cho các ngươi một hy vọng và một tương lai.'"  Giê-rê-mi 29:11

Các từng trời rao truyền sự vinh hiển của Ðức Chúa Trời, bầu trời giải tỏ công việc tay Ngài làm. Thi-Thiên 19:1

Với nhiều người trên thế giới này, ý nghĩa thực sự của cuộc đời là kỳ nghỉ tiếp theo, thành công trong sự nghiệp, hoặc được tăng lương.  Đây là đời sống dựa trên những trải nghiệm của sự hoan lạc.  Rất nhiều người đã cố gắng cả cuộc đời để tìm kiếm một lối sống hoan lạc chỉ để cuối cùng nhận ra rằng cuộc sống đó hoàn toàn trống rỗng và vô nghĩa.  Bạn chỉ cần xem ti-vi một buổi tối để có thể nhận ra rằng các nhà quảng cáo muốn chúng ta tin vào mục đích sống này.  Chủ đề làm việc để chơi này là đề tài xuyên suốt các thông điệp quảng cáo. 

Sa-lô-môn là người đã nếm trải mọi hương vị cuộc sống.  Ông là nhà kiến thiết vĩ đại, doanh nhân vĩ đại, và là người tình tuyệt vời của phụ nữ.  Ông ấy có mọi sự hoan lạc mà con người có thể tưởng tượng ra.  Vậy nhưng, ông ấy kết luận rằng tất cả những thứ này không thể thỏa mãn được linh hồn của con người. 

Trong một chuyến đi gần đây đến một hòn đảo tuyệt đẹp đã giúp tôi cảm tạ Chúa vì Ngài đã cho tôi hiểu về cái bẫy của lối sống làm việc để chơi.  Những trải nghiệm sẽ rất tuyệt vời và sảng khoái khi đến thăm những địa danh đẹp nếu bạn không bị rơi vào cái bẫy suy nghĩ rằng những trải nghiệm này chính là một cuộc sống đầy ý nghĩa.  Những tạo vật tuyệt đẹp của Đức Chúa Trời có thể dễ dàng trở thành nhà tù của sự trống rỗng nếu Chúa Giê-xu không phải là trung tâm.  Sứ đồ Phao-lô nói rằng chỉ có một cách để tìm ra ý nghĩa và mục đích của cuộc sống:

"Tôi cầu xin Ðức Chúa Trời, Cha vinh hiển của Ðức Chúa Giê-xu, Chúa chúng ta, ban cho anh chị em linh của sự khôn ngoan và sự mặc khải để nhận biết Ngài.  Tôi cũng cầu xin cho con mắt của lòng anh chị em được khai sáng, để anh chị em có thể nhận biết hy vọng Ngài đã kêu gọi anh chị em là gì, sự giàu có của cơ nghiệp vinh hiển đang dành cho các thánh đồ là thể nào, và sự lớn lao vô lượng của quyền năng Ngài dành cho chúng ta, những người tin nhận..." (Ê-phê-sô 1:17-19)

Nhận biết Đấng Christ sẽ đem lại ý nghĩa và mục đích thực sự cho linh hồn con người.  Hãy dành thời gian ngày hôm nay để nhận biết Chúa theo cách gần gũi hơn.  Sau đó, bạn sẽ nhận ra ý nghĩa và mục đích thật sự của cuộc đời. 

-----
Os Hillman là chủ tịch tổ chức Lãnh đạo nơi Thương trường, tổ chức với mục đích giúp đỡ các tín hữu khám phá và hoàn thành những mục đích của Đức Chúa Trời qua mục vụ trong công việc hàng ngày.



Os Hillman




[1] Mục vụ "Ngày hôm nay, Chúa là đầu"

Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014

Từ Pha lê đến Đấng Christ

Việc Nhà thờ lớn Pha lê phá sản vẫn còn là một dấu hỏi lớn cho cộng đồng Cơ đốc giáo trên toàn thế giới và là bài học nhãn tiền.  Trong nhiều bài viết trong những năm qua, tôi nhận thấy bài viết của ông Timothy George, trưởng khoa Thần học Beeson thuộc Đại học Samford cho người đọc thấy một góc nhìn đa chiều nhất.  Tôi xin được chia sẻ lại dưới đây. 

Nhà thờ vẫn còn đó nhưng hội thánh Cộng đồng Garden Grove và mục vụ của Ms. Schuller đã ra đi vĩnh viễn

"Nước Mỹ yêu thích những câu truyện thành công."  Đó là mở đầu của tiểu sử đáng ngưỡng mộ của Robert Harold Schuller nổi tiếng bắt đầu năm 1983.  Và quay trở lại năm 1983, "Bob" Schuller, như cách những người bạn của ông thường gọi, là một người rất thành công.  Là con trai của một gia đình sùng đạo theo dòng Cải Chính Hà Lan (Dutch Reformed), Schuller được sinh ra trên một trang trại ở Hạt Sioux, tiểu bang Iowa năm 1926.  Đó là năm trước khi Sinclair Lewis xuất bản cuốn tiểu thuyết Elmer Gantry, một cuốn tiểu thuyết châm biếm về một mục sư không bao giờ thành công ở Kansas.  Mặc dù Schuller giống Gantry ở phong cách cởi mở và sôi nổi, nhưng ông không phải là một lang băm.  Được đào tạo từ những ngôi trường hàng đầu của hệ phái của mình, Hope College và Viện Thần học Western, từ trước khi được Giáo hội Cải Chính Hoa Kỳ cử đi gây dựng một hội thánh mới ở Quận Cam, California, Schuller đã là một mục sư được công nhận. 

Quận Cam là quận quê hương của Richard Nixon.  Nhiều thập niên sau khi Schuller đến đây, nơi đây đã trở thành pháo đài không chỉ của phái chính trị bảo thủ mà còn được một số học giả gọi là "nơi thử nghiệm sự giao thoa giữa kinh thánh và văn hóa."  Không có một mục sư Cơ đốc nào chấp nhận sự du nhập hay sẵn sàng thử nghiệm hơn Robert H. Schuller.  Và không có ai thành công hơn ông ấy. 

Câu truyện về mục vụ của ông ấy như một truyền thuyết.  Hội thánh Cộng đồng Garden Grove bắt đầu năm 1955 khi Schuller thuê Rạp hát Orange Drive-In với giá $10 mỗi tuần, một địa điểm tuyệt vời nằm cạnh Disneyland mới được khai trương.  Hồi đó, các rạp hát drive-in[1] đang là thời thượng trên toàn đất nước.  Câu khẩu hiệu lúc đầu của Schuller là "Hãy đến theo cách của bạn trong ô tô của gia đình"[2].  Schuller giảng từ trên mái nhà lợp giấy dầu và vợ ông, Arvella chơi một cây đàn phím điện tử. 

Rạp hát Orange Drive-in, nơi được Ms. Schuller thuê đầu tiên để gây dựng hội thánh Cộng đồng Garden Grove năm 1955

Và họ đã đến rất đông, không chỉ đến nhà thờ walk-in/drive in đầu tiên trên toàn quốc, mà còn mục vụ truyền hình rộng lớn của Schuller có tên là "Một giờ của Năng quyền.[3]"  Trong thời kỳ đỉnh cao trên chương trình "Một giờ của Năng quyền," Robert Schuller thật tuyệt diệu.  Mỗi ngày Chúa nhật ông ấy xuất hiện trong bộ áo choàng dài, giọng nói sang sảng và những cử chỉ cuốn hút, xung quanh có những đài phun nước sẵn sàng phun nước khi ấn nút và dàn hợp xướng hàng ngàn người hát những bài thánh ca hay nhất trên truyền hình.  Trong thời đỉnh cao đó, "Một giờ của Năng quyền" là chương trình truyền hình tôn giáo được theo dõi nhiều nhất trên truyền hình trên thế giới, với số lượng khán giả ước chừng 30 triệu từ hàng trăm quốc gia trên toàn cầu. 

Trong tiếng rộn ràng của kèn và bản nhạc nền "Các từng trời tuyên xưng[4]," Schuller cung hiến Nhà thờ lớn Pha lê vào Chúa Nhật ngày 14 tháng 9 năm 1980, ngay trước khi thống đốc California, Ronald Reagan được bầu làm Tổng thống Hoa Kỳ.  Công trình kiến trúc kỳ diệu này được thiết kế bởi kiến trúc sư nổi tiếng Philip Johnson, với 10,661 cửa sổ tráng bạc được dựng bởi hệ thống dầm thép mảnh mai.  Những cửa sổ trông thật lung linh trong ánh sáng trong những ngày đầy nắng.  Nhà thờ lớn Pha Lê, theo lời của Schuller lúc đó, là "biểu tượng của đức tin rời núi," một "đền thờ có hình ngôi sao sẽ tỏa sáng trong ánh mặt trời" đứng vững trong hàng thế kỷ tới. 

Ngày nay, tòa nhà thì vẫn đứng đó, nhưng hội thánh đã tan lạc.  Tháng 10 năm 2010, hội thánh tiến hành thủ tục phá sản theo Chương 11[5], với số nợ lên đến hơn $50 triệu đô la (hơn 1,000 tỷ đồng).  Năm sau đó, toàn bộ đất đai của hội thánh rộng 13,8 ha[6] được bán lại cho giáo hạt Công giáo với giá $57.5 triệu đô la (gần 1,200 tỷ đồng).  Người Công giáo đã tham gia vào việc chuyển đổi các tòa nhà với vị trí thuận lợi thành không gian linh thiêng kể từ khi đền thờ Pantheon ở Rô-ma[7] được chuyển đổi thành nhà thờ, nhưng đây là lần đầu tiên một nhà thờ truyền giáo khổng lồ chuyển đổi thành nhà thờ Công giáo. 

Sự sụp đổ của đế chế Schuller và cảnh nồi da nấu thịt trong gia đình ông càng làm cho sự việc tồi tệ hơn.  Câu truyện dường như quá đau đớn và hổ thẹn để thuật lại: cha và con thừa kế quyết định đi con đường riêng khi tranh chấp xem ai được giảng trên giờ vàng; các con gái và con rể cũng có nỗi khổ riêng và theo đuổi các vụ kiện tụng đòi quyền lợi; cháu gái Angie Schuller Wyatt mới đây phát hành cuốn sách gây tranh cãi "Đức Chúa Trời và Vú: Cân bằng giữa Đức tin và Tình dục,[8]" sau đó cô bị loại khỏi chương trình "Một giờ của Năng quyền"; Schuller và vợ ông cắt đứt mọi liên lạc với mục vụ mà họ đã khởi sự gần sáu mươi năm trước; và, cuối cùng ông ấy công bố việc đang được điều trị chữa ung thư thực quản. 

Tên gọi Nhà thờ lớn Pha lê gần đây đã được đổi thành Nhà thờ lớn Đấng Christ[9], có lẽ đây là một thay đổi đúng đắn.  Việc biến đổi không gian thờ phượng của nhà thờ này cho phù hợp hơn với cuộc sống theo nghi thức Công giáo đã bắt đầu.  Đây là việc đầy thách thức.  Kiến trúc hậu hiện đại của Nhà thờ lớn Pha lê rất sáng láng, siêu việt và ngược với phong cách huyền bí và gần gũi của Công giáo.  Nó được thiết kế cho những bài thuyết giảng oai hùng hơn là không khí tĩnh lặng và cầu nguyện.  Nó hợp hơn với sự ăn mừng hơn là ăn năn. 

Giáo hạt Công giáo, cũng như chính Schuller, muốn sử dụng không gian này để vươn tới những người chưa đi nhà thờ với thông điệp về Chúa Giê-xu và cung cấp sự gây dựng về thuộc linh cho những người cần.  Đây quả thật là một mục tiêu đáng giá, đúng theo tinh thần của Truyền giáo Mới[10].  Thậm chí, có thể người Công giáo sẽ có cơ hội đạt được mục đích này cao hơn những người tiền nhiệm nổi tiếng.  Nhưng thật là ngu ngốc khi cho rằng những Cơ đốc nhân đã chứng kiến việc thay đổi quyền quản trị của Nhà thờ lớn Đấng Christ, sẽ không bị cám dỗ vào những gì Robert Schuller và mục vụ của ông ấy đã làm hơn nửa thế kỷ qua. 

Và chúng ta sẽ phải nói gì với tiến sỹ Schuller?  Một trong những con gái của ông nói rằng vì lý do sức khỏe, dạo này ông hay hồi tưởng lại quá khứ.  Chúng ta chúc cho ông mạnh mẽ trong mọi đấu tranh hàng ngày.  Điều mà Schuller đã nói với rất nhiều người trong nhiều năm và chúng tôi cũng chân thành muốn nói với ông ấy là "Chúa yêu anh và chúng tôi cũng như vậy."  Có lẽ ông sẽ tìm được sự an ủi đặc biệt khi đọc lại Câu hỏi 1 trong Bảng câu hỏi Heidelberg, một trong những tài liệu vĩ đại nhất của Cơ đốc giáo Cải Chính và là tiêu chí của hội thánh thời nhỏ của Robert Schuller.  Tôi tin chắc rằng khi còn là một chú bé ở Iowa, ông ấy đã học thuộc nó:

Câu hỏi: Điều an ủi duy nhất của bạn khi sống cũng như khi chết là gì?
Trả lời: Là thân thể và linh hồn tôi khi sống và khi chết không còn là của tôi nữa mà đã hoàn toàn thuộc về Đấng Cứu thế, Chúa Giê-xu, đấng đã bằng huyết của Ngài trả giá trọn vẹn cho tội lỗi của tôi và đã hoàn toàn giải phóng cho tôi khỏi sự kiểm soát của ma quỷ; là chính Ngài đã bảo vệ tôi nên nếu không vì ý muốn của Cha thiên thượng thì một ngọn tóc cũng không rơi khỏi đầu tôi; mọi việc xảy ra đều phù hợp với mục đích giải cứu tôi.  Do đó, nhờ Đức Thánh linh, Ngài cũng đảm bảo cho tôi cuộc sống vĩnh hằng, và làm cho tôi khao khát với trọn tấm lòng từ nay sẽ sống cho Ngài. 

Bài viết đầy đủ có thể tìm thấy tại đường link này.  




[1] Một loại hình giải trí mà khách hàng chỉ việc đỗ xe trong một bãi đỗ lớn, không cần phải ra khỏi xe mà vẫn thưởng thức được một bộ phim, vở kịch hay một loại hình giải trí nào khác 
[2] Tạm dịch từ "Come as you are in the family car"
[3] Tạm dịch từ "The Hour of Power"
[4] Tạm dịch từ "The Heavens Are Telling", trích đoạn từ bản "Sự sáng tạo" (the Creation) của nhà soạn nhạc Joseph Haydn (1732-1809)
[5] Chương 11 Bộ luật Liên Bang Hoa Kỳ về Phá Sản
[6] 34 acre
[7] Đền thờ của các vị thần Olympia theo đức tin của người Hy lạp và Rô-ma cổ
[8] Tạm dịch từ "God and Boobs: Balancing Faith and Sexuality"
[9] Tạm dịch từ "Christ Cathedral"
[10] Tạm dịch từ "New Evangelization"

Chủ Nhật, 26 tháng 10, 2014

Chúa Không Chết

2014 là một năm để lại nhiều dấu ấn của các phim Cơ đốc giáo gây sốt vé ở hàng loạt các rạp chiếu trên khắp nước Hoa Kỳ và nhiều nơi khác trên thế giới với các siêu phẩm như "Con của Đức Chúa Trời" (Son of God), "Nô-ê" (Noah), và nổi bật nhất là "Thiên đàng là có thật" (Heaven is for real) và "Chúa Không Chết" (God's Not Dead).  Đặc biệt là phim "Chúa Không Chết" được công chúng đón nhận mạnh mẽ hơn những mong đợi của ê-kíp sản xuất, nhận được sử ủng hộ lớn của hàng loạt các tổ chức kiểm định Cơ đốc giáo từ Công giáo đến Ngũ Tuần và liên hệ phái. 

Tin tức nóng hổi "Chúa không chết"

Phim "Chúa Không Chết" được dựng dựa trên cuốn sách cùng tên của tác giả Rice Broocks phản hồi lập luận của Chủ nghĩa Nhân văn (Humanism), một dịch bệnh đối với tri thức đang lan rộng khắp các trường đại học trên toàn thế giới.  Thực chất, Chủ nghĩa Nhân văn mới xuất hiện trong khoảng hơn 100 năm trở lại đây với những tuyên bố rất khiêu khích của Charles Darwin, Friedrich Nietzsche, Richard Dawkin, Christopher Hitchen và Stephen Hawking.  Nổi tiếng nhất là tuyên bố của Nietzsche là "Chúa đã chết" hay Hitchen "Chúa không vĩ đại", etc.  Đối với Chủ nghĩa Nhân văn, con người là rốn của vũ trụ, còn ý tưởng về một đấng thiên thượng, hay Chúa Trời chỉ là một khái niệm do trí tưởng tượng của con người tạo ra để giải thích cho mọi mặt của cuộc sống.  Theo họ, ngày nay khoa học đã phát triển cao nên con người không còn cần vai trò của Chúa Trời nữa. 

Câu nói nổi tiếng của Nietzsche "Chúa đã chết, nhưng với bản ngã của con người, sẽ còn những hang động trong hàng ngàn năm nữa mà cái bóng của ngài che phủ.  Và chúng ta, chúng ta cũng sẽ phải tìm cách làm cái bóng đó biến mất."

Quay trở lại phim "Chúa Không Chết", nhân vật chính Joss khi bước vào giảng đường đại học, phải học môn triết học với giáo sư Jeffrey (một nhân vật giả tưởng đại diện cho tư tưởng của Darwin, Nietzsche, Dawkin, Hitchen và Hawking).  Giống như Nietzsche[1], Jeffrey phải chứng kiến cái chết của rất nhiều người thân từ khi còn nhỏ và ông ta không thể tin được Đức Chúa Trời tốt lành lại cho phép những điều xấu xảy ra trên thế giới này.   Gần giống như Hawking[2], Jeffrey cũng có một người bạn gái là một Cơ đốc nhân tận hiến, và ông thường tỏ ra khinh thường trước mặt những người đồng nghiệp vô thần. 

Buổi học đầu tiên, Jeffrey yêu cầu tất cả các sinh viên phải viết xuống giấy ba từ "Chúa đã chết" và yêu cầu họ ký tên bên dưới.  Cả một giảng đường đông nghịt sinh viên cắm cúi viết và Joss, một Cơ đốc nhân, đắn đo không biết phải làm sao.  Cuối cùng cậu quyết định rằng sẽ không làm dối lòng và không viết theo yêu cầu của giáo sư.  Với mục đích làm nhục Joss, Jeffrey yêu cầu cậu phải chuẩn bị ba bài thuyết trình để thuyết phục các sinh viên cùng lớp rằng "Chúa không chết."  Trước buổi thuyết trình đầu tiên, Joss được một mục sư khuyên nhủ rằng hãy lấy đây là cơ hội duy nhất để chia sẻ về Chúa cho những bạn học cùng và hãy nói sự thật chứ không phải để chứng tỏ mình. 

Sau ba buổi thuyết trình và tranh luận, tất cả mọi logic của Jeffrey và toàn bộ các lập luận của Chủ nghĩa Nhân văn hoàn toàn thất bại.  Những lập luận của Chủ nghĩa Nhân văn trở nên thiếu logic, lỏng lẻo và tự mâu thuẫn, và dường như cần một lượng đức tin lớn hơn để tin rằng không có Chúa so với tin là có Chúa.  Lời của Thi Thiên quả thật đúng khi nói rằng "Kẻ ngu dại nói trong lòng rằng: Chẳng có Đức Chúa Trời" (Thi-Thiên 14:1). 

Nếu đức tin của bạn đang bị thách thức ở nơi trường học, nơi công sở, trong gia đình, hãy nhớ rằng, Đức Chúa Trời của chúng ta là đấng đang sống.  Khi bạn phải đối diện với thách thức, hãy ghi nhớ lời bài hát "Chúa không chết" của ban nhạc Newsboy với điệp khúc dưới đây. 


Chúa của tôi không chết / My God's not dead
Ngài chắc chắn đang sống / He's surely alive
Ngài đang sống trong tôi / He's living on the inside
Gầm lên như sư tử tơ / Roaring like a lion

Coca Cola thiết kế ra mẫu vỏ chai hấp dẫn nhất mọi thời đại
Apple Computers thiết kế ra mẫu điện thoại thông minh bán chạy nhất mọi thời đại
Từ vật đơn giản như cái vỏ chai đến những chiếc điện thoại thông minh phức tạp đều phải có người (nhóm người) thiết kế ra, vậy tại sao bạn lại nói rằng vũ trụ rộng lớn kia và tất cả mọi vật trong đó được hình thành do ngẫu nhiên?
Quả thật, tôi không có đủ đức tin để làm người vô thần.  



[1] Friedrich Nietzsche (1844-1900) là con của một mục sư hệ phái Luther.  Bố ông mất vì bệnh bại não khi ông 5 tuổi, và năm sau đó em trai ông mất khi mới 2 tuổi.  Gia đình ông chuyển đến ở với bà, và bà cũng mất khi ông mới 12 tuổi.  Năm 1864, khi mới 20 tuổi, Friedrich Nietzsche bắt đầu học thần học ở Đại học Bonn, nhưng ngay sau đó mất niềm tin Cơ đốc, chuyển sang nghiên cứu triết học và trở thành một trong những trụ cột của Chủ nghĩa Nhân văn.  Năm 1889, khi 45 tuổi, Friedrich Nietzsche bị tâm thần và phải điều trị ở nhiều bệnh viện khác nhau.  Năm 1900, sau 11 năm sống trong bệnh tật, ông qua đời. 
[2] Stephen Hawking (1942) là nhà thiên văn học đương thời nổi tiếng người Anh.  Từ 1969 đến 1995, ông kết hôn với Jane Wilde, một Cơ đốc nhân tận hiến và hai người đã có rất nhiều tranh luận về đức tin.  

Thứ Sáu, 17 tháng 10, 2014

Đối mặt Người khổng lồ

Chúng ta đang sống trong thời đại bùng nổ thông tin và phương tiện giải trí.  Chỉ tính riêng ở Hoa Kỳ, sáu hãng phim khổng lồ ở Hollywood (Warner, Paramount, Sony, Universal, Disney và Fox) cùng với từ 10 đến 12 hãng phim lớn khác sản xuất trung bình từ 120 đến 150 bộ phim mỗi năm.  Ngoài ra, các hãng này còn phát hành thêm từ 40 đến 60 bộ phim của các nhà sản xuất tư nhân. 

Đối mặt Người khổng lồ

Trong khi thế giới tưởng như đang bội thực với những bộ phim thì Hội thánh Baptist Sherwood, ở thành phố Albany, tiểu bang Georgia, lại quyết định bắt đầu mục vụ... phim ảnh!  Mục vụ này bắt đầu năm 2002 khi hai anh em Stephen và Alex Kendrick đề xuất với mục sư Michael Catt, chủ tọa của Hội thánh Baptist Sherwood, sản xuất những bộ phim mang tinh thần và giá trị Cơ đốc giáo.  Với sự ủng hộ của mục sư Michael Catt, hãng phim Sherwood Pictures ra đời và ngay năm sau đó, bộ phim đầu tay, Flywheel ra đời.  Thành phố Albany, tiểu bang Georgia là nơi cuối cùng mà một hãng phim muốn đặt trụ sở, nhưng với khải tượng ban đầu, Sherwood Pictures sản xuất các bộ phim do chính các thành viên của hội thánh Baptist Sherwood tham gia viết kịch bản, quay phim, phục trang và diễn xuất.  Toàn bộ quá trình sản xuất một bộ phim của họ đều là "cây nhà lá vườn." 

Biểu tượng hãng phim Sherwood

Năm 2003, bộ phim đầu tiên, Flywheel được sản xuất với kinh phí chỉ vỏn vẹn khoảng 400 triệu đồng (20.000 đô la Mỹ), đây là số tiền thấp hơn cả một dự án phim thông thường của các sinh viên điện ảnh.  Bất chấp kinh phí eo hẹp và kinh nghiệm hạn chế ban đầu, Flywheel được chiếu tại ... 3 rạp chiếu trong khu vực gần Hội thánh Baptist Sherwood nhưng cũng đạt doanh thu khoảng 750 triệu đồng (37.000 đô la Mỹ) và bán được hơn 600.000 đĩa DVD. 

Thành công lớn đầu tiên đến với Sherwood Pictures là bộ phim "Đối mặt Người khổng lồ" (Facing the Giants) sản xuất năm 2006.  Với kinh phí khoảng 2 tỷ đồng  (100.000 đô la Mỹ), thấp hơn kinh phí của một bộ phim thông thường ở... Việt Nam.  Nhưng "Đối mặt Người khổng lồ" đã được chiếu tại 441 rạp trên toàn nước Hoa Kỳ với doanh thu hơn 200 tỷ đồng  (10 triệu đô la Mỹ) và bán được hơn 2,5 triệu đĩa DVD.  Nội dung của bộ phim xoay quanh một huấn luyện viên môn bóng đá Mỹ của một trường trung học đã thất bại trong suốt 6 mùa bóng, và trong cả cuộc sống cá nhân.  Nhưng khi nhận ra sức mạnh chỉ có thể đến từ Chúa, huấn luyện viên đã truyền cảm hứng cho đội bóng và họ đã chiến thắng những đội mạnh hơn và giành giải vô địch.  Nội dung của bộ phim cũng là một lời chứng về chính hãng phim Sherwood Pictures và Hội thánh Baptist Sherwood, một hội thánh chỉ với vỏn vẹn 2.000 tín đồ.  Làm cách nào họ có thể sản xuất những bộ phim cạnh tranh được với các hãng phim lớn của Hollywood?  Làm cách nào để họ có thể thu hút được các đạo diễn, diễn viên và ê-kíp với ngân sách có hạn?  Sức mạnh chỉ đến từ Chúa! 


Thành công nối tiếp thành công, Sherwood Pictures tiếp tục cho ra mắt các bộ phim "Chống cháy" (Fireproof) năm 2008 và "Dũng cảm" (Courageous) năm 2011.  Hơn cả một hãng phim, Sherwood Pictures còn là một mục vụ chia sẻ về Chúa cho thế giới đang khao khát tìm kiếm Ngài.  

Thứ Năm, 9 tháng 10, 2014

Giúp đỡ kẻ yếu

"Chúng ta phải giúp đỡ những người yếu, do đó chúng ta phải làm việc vất vả như thế" Công vụ 20:35


Thời gian gần đây, khi vợ chồng tôi đọc đến cuối sách Công vụ, chúng tôi được nhắc nhở về cuộc gặp gỡ giữa Sứ đồ Phao-lô và các trưởng lão của các hội thánh trên khắp miền A-si-a (ngày nay là Thổ Nhĩ Kỳ).  Trong những năm trước đó, Phao-lô đã bỏ rất nhiều thời gian truyền giáo trên toàn miền A-si-a, thành lập hội thánh, thiết lập trưởng lão và mục sư để chăm sóc các hội thánh đó.  Đến cuối chuyến đi truyền giáo thứ 3 của mình, Phao-lô được Đức Thánh Linh mách bảo quay về Giê-ru-sa-lem để chịu bắt bớ vì danh Đấng Christ.  Khi biết đây là lần cuối mình được gặp những người mà bấy lâu ông chăm sóc, giảng dạy, Phao-lô căn dặn lại họ những điều quan trọng nhất: "Chúng ta phải giúp đỡ những người yếu, do đó chúng ta phải làm việc vất vả như thế." 

Bà Carol Cymbala hướng dẫn dàn hợp xướng 280 giọng của hội thánh Brooklyn Tabernacle trong buổi thờ phượng

Trước Phao-lô, Chúa Giê-xu cũng giảng dạy rằng xung quanh chúng ta sẽ luôn có những người góa bụa, trẻ mồ côi và những người yếu, không có khả năng bảo vệ mình.  Trong thế giới Cơ đốc giáo ngày nay, có nhiều hội thánh và tổ chức từ thiện đứng vào vai trò chăm lo cho người yếu, nhưng hội thánh Brooklyn Tabernacle ở tại địa chỉ 17 Smith Street, quận Brooklyn, thành phố New York, là một hội thánh vô cùng đặc biệt. 

Mục sư Jim Cymbala và vợ

Hơn 40 năm trước, mục sư James "Jim" R. Cymbala cùng vợ đến gây dựng một hội thánh ở quận Brooklyn đổ nát.  Từ khi hội thánh Brooklyn Tabernacle được thành lập chỉ với 20 tín đồ, mục sư Jim Cymbala đã có khải tượng đây sẽ là hội thánh duy trì sự cân bằng giữa giảng dạy (preaching) và cầu nguyện (praying).  Trong một bài trả lời phỏng vấn gần đây với đài truyền hình CBN, giới thiệu về cuốn sách mới của mình, mục sư Jim Cymbala nhấn mạnh lại trong suốt 40 năm trong mục vụ, ông chưa bao giờ quên tình yêu ban đầu đó. 


Từ giữa những năm 1970, bà Carol Cymbala, vợ của mục sư Jim Cymbala được Chúa đặt để một tấm lòng gây dựng một dàn hợp xướng để tôn vinh Chúa.  Dàn hợp xướng đầu tiên được thành lập với 9 giọng hát.  Sau bốn thập kỷ, dàn hợp xướng của Brooklyn Tabernacle đã đạt được 6 giải Grammy danh giá, phát hành hàng chục đĩa CD, được mời hát tôn vinh Chúa trong các buổi truyền giảng của mục sư Billy Graham, và gần đây nhất là buổi lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống Barrack Obama khi ông tái đắc cử nhiệm kỳ 2 năm 2013. 

Nhưng đúng như lời của mục sư Jim Cymbala, hội thánh đã không để những thành công làm lay động tình yêu ban đầu.  Trong dàn hợp xướng 280 giọng của Brooklyn Tabernacle ngày nay, có người là luật sư, có người trước đây vô gia cư và có người trước đây nghiện ma túy và gái mại dâm!  Ngay cả khi hội thánh phát triển đến hơn 16,000 tín đồ, một trong những hội thánh lớn nhất ở Hoa Kỳ, mục sư Jim Cymbala vẫn dành thời gian chăm sóc cho những người thực sự yếu đuối, những người ở bên lề xã hội, những người vô gia cư, những người nghiện ma túy, tù nhân và gái mại dâm.  Khi dàn hợp xướng này cất tiếng, các bản nhạc tôn vinh Chúa như được viết lên từ những mảnh đời được biến đổi của chính những giọng ca này.  Sự đa dạng và đời sống biến đổi chính là phép lạ mà Chúa đang làm qua mục vụ của một hội thánh phục vụ kẻ yếu. 

Thứ Sáu, 3 tháng 10, 2014

Thân thể Đấng Christ

"Anh chị em là thân thể của Ðấng Christ và mỗi người là một chi thể" I Cô-rinh-tô 12:27


Trong thư tín gửi cho hội thánh ở Cô-rinh-tô, Phao-lô liên hệ hình ảnh về hội thánh toàn cầu là thân thể của Đấng Christ và mỗi cá nhân là một chi thể.  Trong các thư tín của mình, Phao-lô chỉ dùng chữ "hội thánh" ("ἐκκλησία" - phiên âm tiếng Anh là ecclesia) chứ không có chữ "nhà thờ".  Chữ ecclesia có nghĩa là hội đồng những người thánh, nói ngắn gọn là hội thánh.  Còn chữ "nhà thờ" (church) là chỉ về một công trình kiến trúc hữu hình, là khái niệm chỉ được các giáo hội sau này sử dụng.  

Tháp Ba-bên, công trình trọc trời đầu tiên của loài người

Trong thời kỳ đầu của lịch sử loài người, sau khi con người hư mất vì tội lỗi, bản thân con người cũng có ước muốn được quay trở lại với Đức Chúa Trời.  Và bằng sức riêng của mình, họ xây tháp Ba-bên với kỳ vọng là sẽ xây cao đến trời!  Nhưng chúng ta đều biết kết cục là dự án tháp Ba-bên hoàn toàn thất bại.  Sau tháp Ba-bên, Kim Tự Tháp Giza ở Ai Cập thống lĩnh ở vị trí công trình cao nhất thế giới suốt 3800 năm cho đến kỷ nguyên Cơ Đốc Giáo phục hưng ở Châu Âu.  Năm 1311, Nhà Thờ Lớn Lincoln (tên khác là Nhà Thờ Lớn Thánh Mary) ở Anh Quốc đoạt ngôi công trình cao nhất thế giới từ Giza và giữ vững danh hiệu này trong suốt 238 năm.  Trong suốt 600 năm tiếp theo, các thành phố lớn ở khắp Châu Âu, từ Anh đến Pháp, Đức đều đua nhau xây dựng những nhà thờ cao hơn, đẹp hơn và cầu kỳ hơn.  Nhà thờ cuối cùng được công nhận là công trình kiến trúc cao nhất thế giới là Ulm Minister ở vùng Bavaria, nước Đức, nóc nhà của thế giới từ khi khánh thành năm 1890 đến khi kỷ lục bị phá vỡ năm 1901.  Thế kỷ 20 cũng đặt dấu chấm hết cho cuộc đua của các nhà thờ trở thành công trình kiến trúc vĩ đại. 

Nhà thờ lớn Pha lê được ghép hoàn toàn bằng các tấm kính và giàn khung thép

Mặc dù cuộc đua của những ngôi nhà thờ trọc trời dường như đã dừng lại, nhưng các ngôi nhà thờ lộng lẫy, xa hoa vẫn không ngừng mọc lên.  Gần đây, tôi có dịp đến Nhà Thờ Ba Ngôi (Trinity Church) ở phố Wall, Manhattan, New York, một ngôi nhà thờ cổ kính xây bằng đá đỏ từ thế kỷ 18 nằm ở khu phố nhộn nhịp nhất thế giới này được tờ tạp chí tài chính hàng đầu, Thời báo New York (New York Times) định giá bất động sản lên đến hơn 42,000 tỷ đồng (2 tỷ USD) theo thời giá năm 2013.  Cũng theo Thời báo New York, nhà thờ này đang bị chia rẽ vì họ không biết nên làm gì với số tài sản khổng lồ họ có.  Trong lúc chưa quyết định được, họ đồng ý nâng lương cho mục sư chủ tọa từ 9 tỷ đồng (475.000 USD) lên 30 tỷ đồng (1.500.000 USD) mỗi năm và tặng cho ông ấy căn nhà trị giá 120 tỷ đồng (5.500.000 USD) do lạm phát!  Nhà Thờ Công Giáo Đấng Christ là Ánh Sáng ở Oakland, CA từ năm 2008 xây dựng cơ sở mới trị giá 2,700 tỷ đồng (130 triệu USD).  Nhà Thờ Baptist Thứ Nhất Dallas ở Dallas, TX cũng đang gây quỹ xây dựng 2,700 tỷ đồng (130 triệu USD) cho một điểm nhóm mới.  Nhà Thờ Lakewood ở Houston, TX cũng mới bỏ ra 1,500 tỷ đồng (75 triệu USD) cho việc... sửa sang.  Gần đây nhất là Nhà Thờ Cảm Hứng Thân Thể Đấng Christ ở Dallas, TX đầu tư một bể cá cảnh nước mặn[1] trị giá hơn 800 tỷ đồng (40 triệu USD).  Câu truyện đáng buồn nhất là Nhà Thờ Lớn Pha Lê ở Quận Cam, CA phải tuyên bố phá sản năm 2010 vì khoản nợ hơn 1,000 tỷ đồng (50 triệu USD), và phần lớn số nợ đó phát sinh từ chi phí xây dựng ngôi nhà thờ gần 3,000 chỗ ngồi toàn bộ bằng kính trang lệ này. 

Mục sư John Yates giảng tại Hội thánh Anh Giáo Falls Church

Trong khi đó, hội thánh Anh Giáo Falls Church, một hội thánh có hơn 4,000 tín đồ ở thành phố Falls Church bang Virginia, quyết định bỏ lại ngôi nhà thờ được xây dựng tuyệt đẹp từ thế kỷ 18 của họ vì sự sụp đổ về giáo lý của Anh Giáo Hoa Kỳ (Episcopal).  Hội thánh Anh Giáo Falls Church là một trong hơn 1,000 hội thánh Anh Giáo Hoa Kỳ đã quyết định rời bỏ giáo hội vì sự suy đồi của giáo hội và cái giá họ phải trả là mất địa điểm nhóm.  Khi quyết định rời bỏ giáo hội Anh Giáo Hoa Kỳ, hội thánh Anh Giáo Falls Church bàn giao lại toàn bộ tài sản gồm đất đai và toàn bộ tài sản khác.  Sau khi rời khỏi ngôi nhà thờ cũ, mục sư John Yates có khải tượng về xây dựng các hội thánh con (daughter churches) thay vì tập trung tại một hội thánh lớn để phát triển. 

Vợ chồng tôi có dịp đến nhóm tại Hội thánh Anh Giáo Phục Hồi (Restoration Anglican Church), một hội thánh con được thành lập với 70 tín hữu, trong 5 năm đã phát triển thành hơn 400 tín hữu!  Thậm chí địa điểm mà ban đầu họ thuê của một hội thánh Baptist đã được họ mua lại và xây dựng mở rộng vì hội thánh Baptist đó không còn đủ tín hữu để duy trì hoạt động và địa điểm đó quá nhỏ cho mục đích phát triển.  Hội thánh Anh Giáo Phục Hồi là một trong 6 hội thánh con phát triển ra từ Hội thánh Anh Giáo Falls Church. 

Hội thánh (ἐκκλησία - ecclesia) chính là trọng tâm của sứ điệp cứu rỗi.  Việc xây dựng hội thánh, hay chính là gây dựng những anh chị em trong thân thể Đấng Christ mới là mục đích sống quan trọng của mỗi Cơ Đốc Nhân.  Đúng là chúng ta cần có địa điểm để nhóm họp, thờ phượng Chúa và chia sẻ đời sống với nhau, nhưng khi việc xây dựng nhà thờ không bao giờ có thể được ưu tiên hơn việc xây dựng hội thánh.  




[1] Dallas là thành phố nằm sâu trong lục địa bang Texas, vùng biển gần nhất cũng phải 5-6 tiếng lái xe.  Việc đầu tư bể cá nước mặn được ông mục sư chủ tọa chia sẻ là được cảm hứng từ hình ảnh Chúa Giê-xu kêu gọi các môn đồ trở thành tay đánh lưới người!